Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhiều ý kiến cho rằng lãi suất vẫn “ăn” vào chi phí của DN, khiến cho DN không có lãi. Vì vậy, để giải quyết nạn “tiền ế”, DN đề nghị ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất.

Doanh nghiệp kêu lãi suất cao, thủ tục khó

Theo đại diện Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Bắc Ninh, năm 2023, kinh tế khó khăn, DN nói chung và DN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng nằm trong “vũng trũng” đó. Với nỗ lực “trở mình”, những tháng đầu năm, DN đã cố gắng tìm kiếm mọi cơ hội sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, giai đoạn đầu năm lúc DN cần vốn, thì ngân hàng lại thắt chặt tín dụng. Chưa kể, lãi suất còn tăng nhẹ, khiến cho DN gặp khó khăn trăm bề.

Sau khi có hội nghị kết nối, những buổi làm việc giữa ngân hàng và DN, vốn đã bắt đầu “thông”, và lãi suất cũng đã được hạ xuống. Hiện, bên cạnh những DN giải thể, ngừng hoạt động, cũng có những DN mới đang bắt đầu khởi nghiệp, tìm hướng đi trong chính khó khăn của cả nền kinh tế. Vì vậy, đại diện DNNVV đề nghị các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp, DN mới thành lập tiếp cận vốn. Với những DN cũ, đã có uy tín, mong được được tạo điều kiện thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay – điều này giúp DN rút ngắn thời gian lên được 2/3 năm.

nganhang_20230414140622.jpg -0
Ngân hàng đề nghị doanh nghiệp tái cấu trúc để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. (Ảnh minh họa)

Cũng cho rằng lãi suất cao, đại diện Công ty Nam Thắng cho rằng tính trên tỷ suất sinh lời thì lãi suất như hiện nay khiến cho DN không có lãi. Vì vậy, mong muốn là được giảm lãi suất để DN có thể cân đối tài chính. Ngoài ra, DN này cũng cho rằng mùa vụ cuối năm đang tới gần. Trước đây, thời điểm cuối năm luôn là nỗi “thấp thỏm” của các DN, vì lúc này, DN “khát vốn” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mùa vụ cuối năm thường khó khăn trong tiếp cận tín dụng do ngân hàng thương có chủ trương “siết room”. Vì vậy, DN đề xuất cuối năm không nên hạn chế room để hỗ trợ DN, ngoài ra, cần phải cải cách thủ tục hành chính, tăng vay tín chấp, tăng bảo lãnh.

 “Kêu” về thủ tục, Giám đốc Công ty Hyundai Bắc Ninh cho rằng tài sản thế chấp, thủ tục vay vẫn đang là vướng mắc. Đặc biệt là yêu cầu DN khi vay phải cung cấp báo cáo thuế, báo cáo kiểm toán, DNNVV không đáp ứng được. Bởi vậy, kiến nghị tháo gỡ thủ tục, ngoài ra, cần giảm tiếp lãi suất cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, đồng thời đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi, thực hiện đúng các đối tượng.

Tương tự, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho rằng nên có sự trao đổi giữa ngân hàng và DN để hai bên có thể gặp gỡ, hiểu nhau hơn, từ đó tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa các thủ tục để người dân vay vốn nhanh nhất. Cùng với đó, đề nghị ngân hàng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, các gói tín dụng phù hợp với từng phân khúc DN...

“Gỡ” từ 3 bên

Chia sẻ với những khó khăn của DN, đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng chính ngân hàng cũng đang loay hoay với túi “tiền ế”, mong muốn được đẩy tiền ra nền kinh tế song nhiều DN đang co cụm lại, thậm chí thu hẹp kinh doanh, nhu cầu vay vốn không có.

“DN khó khăn, tiềm ẩn rủi ro cho cả NH và DN nếu có vay vốn, vì bản thân DN không có phương án kinh doanh khả thi, vay vốn sẽ lại nợ mới chồng nợ cũ. Nhiều trường hợp, chính cả DN và ngân hàng đều phải “lắc đầu” để đảm bảo không xảy ra rủi ro. Ngân hàng rất hiểu DN, vì chúng tôi luôn sát cánh với DN, hiểu được những sự khó khăn này, nên chúng tôi phải cân đối. Dù tìm mọi cách đẩy vốn ra, nhưng nền kinh tế không hấp thụ được. Còn về lãi suất, chúng tôi đã giảm rất nhiều, giảm nữa, ngân hàng không những lỗ mà còn rủi ro”, ông Nguyễn Viết Sáng, Giám đốc Ngân hàng Liên Việt chi nhánh Bắc Ninh chia sẻ.

Cho rằng để gỡ được vốn, một mình ngân hàng không thể giải quyết được, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho rằng cần có sự vào cuộc từ cả 3 bên: Chính phủ, bộ, ngành, ngân hàng và DN “Gỡ khó cho DN và ngân hàng, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển thị trường vốn, đảm bảo là kênh dẫn vốn trung dài bạn của nền kinh tế, giảm bớt áp lực cho hệ thống ngân hàng. Chính phủ nghiên cứu các biện pháp gia tăng hiệu quả của bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, nhằm chia sẻ rủi ro với hệ thống ngân hàng. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường trợ giúp DN mở rộng thị trường thông qua tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm, tổ chức đoạn xúc tiến thương mại trong khu vực và nước ngoài…”, bà Giao đề xuất.

Riêng với DN, đại diện ngân hàng này đề nghị thực hiện các biện pháp tái cấu trúc DN, cắt giảm các mạng hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của DN. Ngoài ra, phải tăng cường mở rộng, tìm kiếm các đối tác đầu ra, nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa, giảm thiểu hàng tồn kho. Song song với đó, phải chuyển đổi số, điều chỉnh mô hình hoạt động, cắt giảm chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời bám sát các giải pháp hỗ trợ để phục hồi duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh…

 Lãi suất vẫn “ăn” lợi nhuận doanh nghiệp? - Báo Công an nhân dân điện tử (cand.com.vn)

Hà An / CAND