Hàng nghìn cây đinh lăng nếp trồng trong túi ni lông, chậu nhựa... giúp anh Tuân (Kiên Giang) có nguồn thu nhập ổn định.
Ý chí làm giàu của anh Hà Minh Tuân (45 tuổi, ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang) được người dân trong vùng nể phục. Sau những thất bại, người nông dân này không hề nản chí, anh tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để có được thành công.
Sau 4 năm xây dựng vùng nguyên liệu thảo dược, hiện khu vườn với diện tích khoảng 300 m2 của gia đình anh Tuân đã có gần 10.000 cây đinh lăng nếp.
Vườn đinh lăng hàng nghìn cây của anh Tuân đang đem lại thu nhập ổn định. Ảnh: Ly Linh. |
Nói về những thất bại và khó khăn ban đầu, anh Tuân cho biết, vào năm 2013, anh có dịp đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở một số tỉnh phía Bắc. "Tôi rất ưng ý với mô hình trồng cây đinh lăng nếp - loại đinh lăng có hàm lượng dược tính cao hơn so các loại thông thường, để có thành công như hôm nay, tôi đã nhiều lần thất bại", anh Tuân nhớ lại.
Gần một năm đầu bỏ công sức trồng và chăm sóc, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên cây giống chết sạch. Sau nhiều lần thất bại, anh Tuân ngộ ra rằng, cây đinh lăng không cần chăm sóc quá kỹ, chỉ cần trồng bằng xơ dừa đã xử lý vi khuẩn rồi trộn tro trấu, mỗi tuần tưới một lần vào mùa nắng.. là phát triển tốt.
Từ những thành công ban đầu, anh Tuân mạnh dạn đầu tư, mở rộng phát triển mô hình, tạo được nguồn nguyên liệu ổn định trước khi tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài ra, anh còn liên kết với nhiều hộ dân địa phương trồng cây dược liệu với diện tích trên 3 ha, và thu mua lại các loại nguyên liệu như đinh lăng, lá lốt, thân rễ rau má... của bà con.
Nhờ sự hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc của anh Tuân, nhiều hộ từ khó khăn đã có thu nhập ổn định.
Theo anh Tuân, do đinh lăng được đặt hàng phục vụ cho việc bào chế dược liệu nên anh không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất. Nước tưới từ nguồn nước máy hợp vệ sinh, vùng nguyên liệu được trồng theo hướng hữu cơ.
Hiện anh Tuân là chủ cơ sở sơ chế dược liệu Nam Du Phú Quốc, mỗi tháng cung ứng hơn một tấn đinh lăng, lá lốt, rau má đã sấy khô cho 6 doanh nghiệp liên kết, với giá trung bình 100.000 đồng một kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng.
Từ thành công bước đầu, anh được cán bộ Trung tâm Khuyến công tỉnh Kiên Giang hỗ trợ lắp ráp máy sấy cây dược liệu bằng điện, công suất sấy từ một đến hai tấn mỗi mẻ vào giữa năm 2017.
Ngoài ra, anh Tuân còn đầu tư thêm máy sấy hồng ngoại nhỏ gọn phục vụ cho những mẻ sấy đinh lăng, rau má hay lá lốt với số lượng từ 60 đến 100 kg.
Nhờ sự hỗ trợ của máy móc nên chất lượng dược liệu phơi sấy của cơ sở anh Tuân được đảm bảo, khách hàng hài lòng và ngày càng tín nhiệm.
Ly Linh
Cầm bằng đại học về quê trồng đinh lăng, trai trẻ thu gần 1 tỷ/năm Cầm bằng kỹ sư trong tay, có việc sớm lương cao ở thành phố nhưng chàng trai trẻ Đinh Văn Thuận sinh năm 1985 ở ... |
Thu tiền tỷ từ bán lá, thân và củ đinh lăng, lại lo dân đổ xô trồng Vài năm trở lại đây, huyện Xuyên Mộc Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện mô hình trồng xen đinh lăng thương phẩm với một ... |