Ngoài việc tăng cường quản lý thuế với cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube..., ngành thuế cũng siết chặt các hoạt động thương mại điện tử.

Thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội cho biết, đại dịch Covid-19 cũng hình thành thói quen mua bán hàng qua lĩnh vực TMĐT, trong đó, hoạt động TMĐT chủ yếu xuất hiện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 2 địa bàn có nền công nghệ thông tin phát triển. Theo dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp, riêng Hà Nội đã có 18.304 cá nhân, tổ chức cá nhân đã nhận được số tiền từ Google và Facebook, Youtube là 1.462 tỷ đồng.

Vừa qua cơ quan thuế đã mời cá nhân tên Trần Đức Phương lên làm việc, truy thu và phạt tổng cộng hơn 4 tỷ đồng tiền thuế. Người này kiếm được hơn 41 tỷ đồng từ Google.

Hay như liên quan tới dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet Netflix, theo dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Netflix cung cấp dịch vụ tại Việt Nam từ đầu năm 2016 với các gói có mức phí từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng. Đến nay, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam đã đạt trên con số 300.000. Tính ra, mỗi năm, Netflix thu về hàng trăm tỷ đồng từ Việt Nam. Thế nhưng, Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng kí sử dụng dịch vụ, thanh toán phí… đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng.

3820 youtube

Hiện hoạt động kinh doanh TMĐT có 3 nhóm lớn, gồm: Bán hàng thông qua trang mạng xã hội (bán hàng online); Có thu nhập thông qua hoạt động viết các ứng dụng, trò chơi và hưởng thu nhập từ quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube...); Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...). Trong 8 tháng năm 2020, cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế xác định có 5.000 tỷ đồng doanh thu từ các loại hình nói trên, trong đó, số thuế phải thu khoảng 93 tỷ đồng

Nói về vấn đề truy thu thuế với người có doanh thu phát sinh từ Google, Facebook, YouTube, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết Cục Thuế đang phải thu thập dữ liệu của các cá nhân này qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng, các công cụ tính lượng truy cập để kiểm tra, giám sát.

Quá trình quản lý gặp nhiều khó khăn bởi đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và nền tảng số nói chung thường không có văn phòng đại diện và không đăng ký doanh nghiệp. Do đó, ông Bình mong muốn đẩy mạnh tuyên truyền để các cá nhân có thu nhập từ những nguồn này tự giác kê khai, nộp thuế, chứ không phải chờ cơ quan thuế phát hiện và xử lý.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, hiện tại theo quy định, các doanh nghiệp TMĐT, cá nhân bán hàng trên Facebook, Zalo, Viber… nếu doanh thu bán hàng trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Quy định này đã được ban hành và có hiệu lực, nhưng đến nay, việc thu thuế vẫn gặp khó khăn. Bản thân cơ quan thuế cũng đã có một thời gian “ráo riết” gửi tin nhắn đến các chủ tài khoản kinh doanh qua mạng đến kê khai nộp thuế nhưng kết quả không như mong đợi. Chưa kể, hoạt động TMĐT không chỉ bó gọn trong phạm vi một nước, mà hướng tới những giao dịch xuyên biên giới.

Cụ thể, giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT thường là các giao dịch điện tử nên cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu. Để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, cơ quan thuế phải phối hợp thu thập dữ liệu từ các cơ quan liên quan như ngân hàng, cơ quan truyền thông... Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu còn gặp nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, một số ngân hàng, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển từ chối cung cấp với lý do: Hệ thống công nghệ thông tin không đủ khả năng hỗ trợ, cung cấp; bảo mật thông tin khách hàng.

Ông Đặng Ngọc Minh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, những cá nhân trong nước có thu nhập qua biên giới thông qua bán phần mềm cho các kênh YouTube, Facebook, Google... phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế.

Nếu cơ quan thuế phát hiện những cá nhân cố tình chây ỳ, không nộp thuế sẽ bị xử phạt hành chính, phạt tiền chậm nộp thuế, nặng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trốn thuế với số tiền lớn. "Nói cách khác, nếu cố tình trốn thuế thì cá nhân đó sẽ bị tù".

Để quản lý, thu đúng, thu đủ thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT, dịch vụ trực tuyến, ông Nguyễn Đức Huy cho biết, ngành Thuế sẽ phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông xác định nhân thân của người nộp thuế; thu thập dữ liệu từ các công ty trung gian vận chuyển, các ứng dụng trung gian vận chuyển; dữ liệu từ các ngân hàng, ví điện tử để xác định dòng tiền. Từ đó, ngành Thuế quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân tốt hơn.

PV (th)

Thu 41 tỷ từ Google, một cá nhân bị truy thu thuế Thu 41 tỷ từ Google, một cá nhân bị truy thu thuế
Kinh doanh qua mạng nở rộ mùa dịch: Càng sôi động, càng thất thu thuế Kinh doanh qua mạng nở rộ mùa dịch: Càng sôi động, càng thất thu thuế
“Kinh tế livestream”: Doanh thu khủng, thất thu thuế... khủng không kém “Kinh tế livestream”: Doanh thu khủng, thất thu thuế... khủng không kém

/ Nghề nghiệp và cuộc sống