Đó là khẩu hiệu mà Hungary lựa chọn cho nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng cuối năm 2024 này. Theo đó, các ưu tiên của Budapest trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU tập trung vào những lĩnh vực mà nước này đánh giá là có nhu cầu thay đổi mạnh mẽ nhất.

Theo giải thích của Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Hungary Janos Boka, đối với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của EU, trong nhiệm kỳ của mình, Budapest muốn một hiệp ước cạnh tranh mới của châu Âu được thiết lập trong khuôn khổ Hội đồng châu Âu. Hiệp ước này một mặt tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của châu Âu, mặt khác cũng xác định những lĩnh vực cần có chính sách tích cực, chẳng hạn như đơn giản hóa luật pháp EU, giảm bớt gánh nặng hành chính và nghĩa vụ báo cáo ảnh hưởng đến các doanh nghiệp châu Âu và hoàn thiện thị trường nội bộ.

Bộ trưởng Janos Boka nêu rõ, Hungary muốn thành lập một liên minh thị trường vốn châu Âu thực sự, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng và năng lượng, đồng thời tạo ra một chính sách công nghiệp châu Âu nhằm đạt được các mục tiêu chính của khối, chẳng hạn như chuyển đổi xanh. Theo ông, các ưu tiên của Hungary trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU tập trung vào các lĩnh vực mà Budapest đánh giá là “có nhu cầu thay đổi mạnh mẽ nhất”, bao gồm việc tăng cường năng lực cạnh tranh của châu Âu, giúp củng cố nền tảng cho sự thịnh vượng, việc làm và tăng trưởng kinh tế của khối, cũng như tăng cường chính sách an ninh và quốc phòng EU, quản lý cuộc khủng hoảng di cư bằng cách tăng cường biên giới bên ngoài của châu Âu và tăng cường quan hệ đối tác quốc tế.

Hungary tiếp quản vị trí từ Bỉ vào thời điểm những thách thức cũ, như cuộc xung đột tại Ukraine hay vấn đề nhập cư, vẫn chưa được giải quyết, trong khi xu hướng trỗi dậy của phe cực hữu sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa qua với những tác động tiềm tàng đến chính trị, xã hội và an ninh... có thể ảnh hưởng tới sức mạnh của khối. Trong khi đó, quan hệ của Hungary với phần còn lại của EU lại “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khi suốt 3 năm qua, EU đã phong tỏa khoảng 30 tỷ euro quỹ dành cho Budapest với lý do chính phủ nước này “can thiệp vào sự độc lập của cơ quan tư pháp và để vấn nạn tham nhũng tràn lan”.

Đáp lại, chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban đã phủ quyết những quyết định và quy trình quan trọng, bao gồm các cuộc đàm phán về việc Ukraine và Moldova gia nhập khối, gói viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga. Chỉ mới đầu tháng trước, Budapest vẫn tiếp tục chặn một số quyết sách quan trọng của EU, kéo theo những phản ứng mạnh của các nước còn lại, thậm chí còn có đề xuất thảo luận về việc thu hồi quyền biểu quyết của Hungary. Do đó, việc Hungary tiếp nhận vai trò mới gây không ít dư luận lo ngại.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU và khí hậu của Đức Anna Lührmann và người đồng cấp Hà Lan Wopke Hoekstra từng công khai bày tỏ nghi ngờ về khả năng thực hiện trọng trách này của Hungary. Giới quan sát cho rằng, châu Âu sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị chung trong những tháng tới theo cách có thể hạn chế ảnh hưởng của Hungary.

2_7_2024_quocte_chuticheu.jpg -0
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại một cuộc họp của Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ.

Trước khi Hungary tiếp quản vị trí này, EU đã dồn áp lực để đẩy nhanh việc giải quyết một số hồ sơ “nóng” ngay trong nhiệm kỳ chủ tịch của Bỉ (6 tháng đầu năm), như thông qua việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova, thông qua một gói trừng phạt khác nhằm vào Nga và chi hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhiệm kỳ chủ tịch của Hungary diễn ra ngay sau cuộc bầu cử EP khi các tổ chức của EU sẽ quan tâm đến việc phân bổ các vị trí chính trị và cơ cấu của Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ mới.

Chuyên gia Péter Krekó, Giám đốc Viện nghiên cứu Nguồn lực chính trị có trụ sở tại Budapest, đánh giá nhiệm kỳ chủ tịch của Hungary khó có thể gây ra những ảnh hưởng lớn tới chương trình chung của toàn khối ngay cả khi bất đồng leo thang giữa Hungary và các thể chế EU. Cũng có quan ngại rằng, chính phủ của Thủ tướng Victor Orban, thuộc phe trung hữu, có thể tận dụng cơ hội để tác động đến những nỗ lực đang diễn ra nhằm đoàn kết cánh hữu sau khi phe này khẳng định sức mạnh gia tăng trong cuộc bầu cử EP vừa qua.

Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi Thủ tướng Viktor Orban từng tuyên bố muốn thành lập một liên minh mới trong EP, cùng với đảng Tự do (FPOe) cực hữu của Austria và Phong trào trung dung ANO của cựu Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis. Khi đề cập ý tưởng này, ông Viktor Orban từng nói tới 3 điều người châu Âu mong muốn là: hòa bình, trật tự và phát triển, nhưng những gì họ nhận được từ giới chính trị ở Brussels là chiến tranh, tình trạng di cư và sự trì trệ. Ý tưởng về liên minh mới với tên gọi “Những người yêu nước vì châu Âu” sẽ cần sự ủng hộ từ các chính đảng ở 4 quốc gia khác để được công nhận là một phái trong EP.

Một nhà ngoại giao EU nhận xét, đây sẽ là thách thức thực sự. Trong ngắn hạn, Brussels sẽ có thể hạn chế tác động của việc này nhưng trong trường hợp, ở bên kia Đại Tây Dương, ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ thì tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn.

Trước sự hoài nghi của nhiều thành viên, khi trình bày các ưu tiên trong vai trò Chủ tịch EU, đại diện thường trực của Hungary tại EU Balint Odor đã khẳng định Budapest sẽ là người hòa giải trung thực, cố gắng hợp tác chân thành với các nước và tổ chức EU. Trong khi đó, Bộ trưởng Janos Boka nhấn mạnh, nhiệm kỳ chủ tịch của Hungary sẽ phải phục vụ hòa bình, an ninh châu Âu và tìm kiếm giải pháp thực sự cho các vấn đề của khối. Cam kết trên bước đầu được hiện thực hóa qua danh sách mục tiêu trọng tâm của nhiệm kỳ mà Hungary đặt ra.

Bên cạnh những quan ngại, giới phân tích quốc tế vẫn có niềm tin rằng, nhiệm kỳ của Hungary không có quá nhiều chông gai với EU bởi Thủ tướng Viktor Orban hiểu rằng hành động của Hungary có thể sẽ quyết định số phận của 19 tỷ euro trong quỹ EU dành cho Budapest, đang bị đóng băng vì các vấn đề liên quan đến chính sách di cư, chống tham nhũng trong mua sắm công...

Các nhà ngoại giao EU cũng đặt niềm tin rằng, Hungary sẽ đảm nhận nhiệm kỳ chủ tịch theo truyền thống nhằm đảm bảo “các cỗ máy” vận hành suôn sẻ. Kinh nghiệm chỉ ra rằng sau nhiều lần chặn các quyết sách chung, cuối cùng vẫn có cách để Budapest nhượng bộ, từ đó giải tỏa bế tắc.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/lam-cho-chau-au-vi-dai-tro-lai-i736239/

Phan Đức / CAND