Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo cho biết, hiện nay Lâm Đồng không có chủ tịch tỉnh nên công việc bị tắc, từ đầu năm không có một dự án đầu tư.
- Lật lại siêu dự án khiến cả Chủ tịch và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng bị bắt
- Bắt tạm giam ông Trần Đức Quận, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng
- Công an đang khám xét nhà Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
Khi chủ tịch và quyền chủ tịch tỉnh đều không có
Sáng nay (23/5), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội.
Một trong những vấn đề các đại biểu Quốc hội đề cập là việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, khắc phục tình trạng sợ sai không dám làm. Đồng thời, một số đại biểu cũng đề cập tình trạng thiếu các chức danh hành chính nhà nước khiến mọi việc bị tắc.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, tình hình thực tế hiện nay cho thấy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ có lẽ cần chấn chỉnh một số bất cập. Theo ông Tạo, nhiều địa phương đang khuyết các chức danh chủ tịch UBND, HĐND.
"Như địa phương chúng tôi (Lâm Đồng - PV) là hơn 150 ngày rồi không có chủ tịch UBND tỉnh. Không có chủ tịch HĐND thì cũng không có vấn đề gì lắm vì HĐND làm việc theo chế độ tập thể. Hiện chúng tôi chỉ có một phó chủ tịch phụ trách, mà phụ trách thì trong luật không có", ông Tạo nêu thực tế.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng).
Ông Tạo phân tích, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước thì cũng nói trách nhiệm của người đứng đầu, Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nói chức trách thuộc về chủ tịch UBND tỉnh.
"Thi đua khen thưởng phải ông chủ tịch, trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự phải là ông chủ tịch, chủ thể ủy quyền tố tụng hành chính phải là ông chủ tịch. Chúng tôi trên dưới 60 vụ án hành chính, kể cả sơ thẩm, phúc thẩm gần 100 vụ, nhưng mà vi phạm hết vì không có ai ủy quyền", ông Tạo nói và cho hay ông rất trăn trở về những vấn đề thuộc chức trách của chủ tịch UBND tỉnh đều bị tắc.
Đại biểu Tạo kiến nghị cần có tính toán để có thể giao quyền chủ tịch như trong luật. Còn Lâm Đồng bây giờ, chủ tịch đã không có, quyền chủ tịch cũng không. Trong khi, đây là một địa phương có tới 1,5 triệu dân với 42 dân tộc anh em sinh sống, ngân sách thu khá nhất trong các tỉnh miền núi (đạt trên 15.000 tỷ đồng/năm).
"Vậy mà không có chủ tịch tỉnh nên tắc hết. Từ đầu năm đến giờ chúng tôi không có một dự án đầu tư nào cả. Tha thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp khắc phục ngay lỗ hổng pháp lý này trong trường hợp không có chủ tịch kéo dài do các cơ chế, quy trình, chính sách của Đảng và Nhà nước thì trong bao nhiêu ngày phải có chế định quyền chủ tịch để thực hiện các vấn đề", đại biểu Tạo nói.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định).
Nhiều nơi lãnh đạo chiếm 50%
Phát biểu tại tổ, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) băn khoăn về đề án vị trí việc làm đang được xây dựng, dù nỗ lực nhưng vẫn tồn tại bất cập. Chất lượng và sự phù hợp vị trí việc làm để tạo động lực, đảm bảo chất lượng hoạt động bộ máy hoạt động còn rất bất cập.
"Nhiều đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm, nhưng tỷ lệ lãnh đạo, quản lý vẫn rất cao. Có nơi lãnh đạo chiếm 50% trong bộ máy, nhiều đơn vị không có nhân viên. Người làm chuyên môn và lãnh đạo cần cân đối", đại biểu Ba nêu và đề xuất cần rà soát, đánh giá lại chất lượng vị trí việc làm trong bộ máy, cùng đó thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Bên cạnh đó, theo phản ánh cán bộ, công chức, nhiều đơn vị có công việc nặng, quan trọng nhưng "lo thu nhập sẽ giảm khi chế độ tiền lương mới thực hiện". Hiện, ngoài lương còn có các thu nhập khác, nhưng theo cải cách tiền lương thì sẽ chỉ còn lương.
"Từ lâu chúng ta đã đổi mới, cải cách và tinh giản và đổi mới cải cách tiền lương theo hướng tăng lương thực tế. Nhưng tới đây có thể thu nhập của họ sẽ giảm. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, song đây là lo ngại thực tế của người lao động, chỗ này có thể liên quan do vị trí việc làm chưa ổn", ông Ba nêu băn khoăn.