Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã được tiến hành cổ phần hóa. Nghệ sĩ điện ảnh cũng khát khao cổ phần hóa với mong muốn để phát triển ngành điện ảnh nước nhà. Như vậy, con đường cổ phần hóa VFS không có gì phải bàn. Việc đáng bàn là sau cổ phần hóa, những chủ nhân mới sẽ làm gì để ngành điện ảnh, hay nói hạn hẹp hơn là một công ty sản xuất phim có thể cạnh tranh, phát triển được, ít nhất là với thị trường trong nước.
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay. |
Theo kế hoạch, năm 2017, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam sẽ sản xuất 1 bộ phim truyện nhựa và 1 bộ phim truyền hình. Hiện tại, chưa có phim truyện nhựa nào được sản xuất theo kế hoạch đặt ra ngoại trừ bộ phim “Người yêu ơi” được duyệt đặt hàng từ thời điểm trước khi cổ phần hóa.
Nhưng ngay cả bộ phim này hay một bộ phim khác dù có được sản xuất, được chăm chút kỹ lưỡng đến đâu cũng không đảm bảo chắc chắn sẽ có lãi. Một bộ phim hay, hợp thị hiếu khán giả cũng không đảm bảo có lãi nếu như không được quảng bá và được ra rạp.
Nhưng thực tế phũ phàng là hiện tại các cụm rạp chiếu phim thu hút khách đều không phải là các công ty thuộc nhà nước. Trong số 630 phòng chiếu phim trong cả nước với khoảng 100 ngàn ghế ngồi thì có đến 65% số phòng chiếu của các doanh nghiệp nước ngoài. Hệ thống phát hành phim ở gần như 63 tỉnh, thành đều không còn, hoặc bị tê liệt, ngoại trừ một số trung tâm lớn.
Ngay trung tâm lớn nhất ở thủ đô là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia thì như ông Nguyễn Danh Dương- giám đốc cũng cho biết: “Từ tháng 9/2017, CGV đã thực hiện cùng lúc 3 chương trình điều chỉnh giá vé đã gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu hoạt động kinh doanh của các đơn vị chiếu phim nhỏ lẻ thua lỗ sẽ phải đóng cửa hoặc phải bán rạp cho các nhà đầu tư nước ngoài”.
Cùng với việc mất thị phần kinh doanh chiếu phim, thì những bộ phim trong nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nắm các cụm rạp trong tay, các chủ nhân muốn cho khán giả thưởng thức phim gì, nước nào tùy họ. Như vậy, nền điện ảnh Việt Nam đứng trước nguy cơ bị triệt tiêu, mất toàn bộ thị trường giải trí điện ảnh, khán giả Việt sẽ hưởng thụ nền văn hóa do nước ngoài quyết định, thị trường này sẽ nằm trong tay các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Để hạn chế phim nước ngoài chiếu ở các cụm rạp, ông Đỗ Duy Anh- phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: Cục Điện ảnh đã làm việc không dưới 3 lần với các doanh nghiệp nước ngoài như CGV, Lotte, Platinum để khuyến cáo họ kinh doanh phải công bằng và lành mạnh. Tuy nhiên, ông chỉ rõ vì luật không có quy định quota nhập khẩu phim, cho nên Cục cũng chỉ can thiệp thông qua Hội đồng duyệt phim Quốc gia bằng cách đã cấm rất nhiều phim không phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2016 đã cấm trên 30 phim, năm 2017 tính đến nay đã cấm trên 20 phim.
Việc chi phối phòng chiếu quyết định mức doanh thu của một bộ phim. Bên cạnh đó, việc quảng bá phim của các bộ phim được Nhà nước đặt hàng cũng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm và quan tâm dẫn đến việc ảnh hưởng lớn khi công chiếu.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng: Cùng là phim Việt Nam, nhưng trước hiện tượng một số phim tư nhân bội thu ở phòng vé vô tình đã khiến một bộ phận công luận chưa hiểu thấu đáo đã bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của một dòng phim phục vụ được sản xuất bởi ngân sách nhà nước. Những câu hỏi về sự lỗ lãi của các dự án khiến cho nguồn vốn nhà nước dành cho dòng phim chính thống ngày càng bị cắt giảm. Có những giai đoạn 3, 4 năm liền không có phim nào do nhà nước tài trợ hoặc đặt hàng được thực hiện và công chiếu phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, dòng phim nhà nước đặt hàng là để phục vụ những giá trị và lợi ích khác của đất nước chứ không nhằm đến doanh thu.
Việc bươn chải của những nghệ sĩ, những nhà sản xuất chuyên nghiệp về điện ảnh những năm qua đã rất khó khăn. Vậy làm sao đây khi Tổng công ty vận tải thủy – cổ đông chính khi cổ phần hóa VFS có thể đảm bảo chèo lái và sản xuất tốt những tác phẩm điện ảnh Việt?
Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam Văn Chí Hùng nói: Điện ảnh tư nhân được Nhà nước mở cửa cho phát triển từ đầu những năm 2000, vốn chưa nhiều, tiềm lực chưa đủ mạnh. Trong khi đó, các tập đoàn lớn nước ngoài vào Việt Nam với vốn lớn, bề dày kinh nghiệm và đang có nhiều biểu hiện chèn ép các doanh nghiệp Việt Nam để thống lĩnh thị trường. Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất phim, trong đó có 15 doanh nghiệp đã sản xuất từ hai bộ phim trở lên. Kinh phí sản xuất một bộ phim tại Việt Nam khoảng từ 5 tỉ đến hơn 30 tỉ đồng. Trước và đầu những năm 2000, mỗi năm có từ 5 - 10 phim Việt Nam được sản xuất, chủ yếu là phim nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, từ năm 2004 trở lại đây, chủ yếu là phim tư nhân sản xuất. Năm 2014 có khoảng 25 phim, năm 2015 khoảng 40 phim, năm 2016 khoảng 60 phim, trong 10 tháng đầu năm 2017 có khoảng 45 phim Việt Nam. Tuy nhiên, việc các công ty nước ngoài nắm giữ đa số thị phần trong kinh doanh chiếu phim dẫn đến các đơn vị này có muốn sản xuất nhiều phim hơn cũng khó. Nắm thị phần doanh thu lớn, họ đưa phim cho mình chiếu thì đòi tỷ lệ cao, còn phim Việt Nam họ lại ép giá thấp. Hành vi “bóp nghẹt” lợi nhuận như vậy không công bằng. Nhà nước cần đưa ra những chính sách điều tiết trong nền công nghiệp điện ảnh mang tính chất hỗ trợ ngành điện ảnh trong nước, không thể để điện ảnh chỉ vận hành theo cơ chế thị trường mở.
Cổ phần hóa VFS là chủ trương lớn. Nhưng để việc cổ phần hóa VFS khiến điện ảnh Việt Nam phát triển thì như phân tích ở trên, rất khó. Làm sao để vừa sản xuất, vừa có thể ra rạp, cạnh tranh được với các cụm rạp lớn của các công ty nước ngoài là điều cực khó. Liệu Tổng công ty vận tải thủy có thể tạo ra một quy trình khép kín từ sản xuất đến kinh doanh hệ thống rạp?
Thị trường và điện ảnh Với điện ảnh hay các giá trị văn hóa khác, có những tình huống không thể áp dụng máy móc cơ chế thị trường. |
Hãng phim quốc gia, số phận chờ kế hay! Chiều 11/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện cùng Thứ trưởng thường trực Huỳnh Vĩnh ... |
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/lam-gi-hau-co-phan-hoa-dien-anh-383748