Tôi sinh ở Hải Phòng. Quê hương tôi có một truyền thống kỳ dị về việc tìm đường xuất ngoại. Một đứa trẻ Hải Phòng có thể lớn lên với cả một bầu văn hóa về sự ủ mưu đi nước ngoài, và tiếp nhận ý niệm về việc ra đi một cách rất tự nhiên. Đôi lúc, bầu không khí đó tạo ra một sự thôi thúc. Trong ngõ xóm, nhiều nhà “có kiều”. Cùng thế hệ tôi, nhiều bạn bè cũng đã đi, phần lớn không phải xuất khẩu lao động: mọi người tìm đường đi theo rất nhiều thủ thuật.
Tôi sinh ở Hải Phòng. Quê hương tôi có một truyền thống kỳ dị về việc tìm đường xuất ngoại. Một đứa trẻ Hải Phòng có thể lớn lên với cả một bầu văn hóa về sự ủ mưu đi nước ngoài, và tiếp nhận ý niệm về việc ra đi một cách rất tự nhiên. Đôi lúc, bầu không khí đó tạo ra một sự thôi thúc. Trong ngõ xóm, nhiều nhà “có kiều”. Cùng thế hệ tôi, nhiều bạn bè cũng đã đi, phần lớn không phải xuất khẩu lao động: mọi người tìm đường đi theo rất nhiều thủ thuật.
Thập kỷ 90 thì người Hải Phòng vượt biên đi Hong Kong. Bây giờ đến đất Hong Kong, lơ ngơ ở bến tàu Sham Shui Po, đi mấy bước là va phải người Hải Phòng. Có cả một bài hát chế theo nhạc của Phan Lạc Hoa, mà bây giờ tôi chỉ nhớ được hai câu: "Con tàu Việt Nam lướt sóng đi Hồng Công/Qua đền Cửa Ông công an chặn bắt".
Thập kỷ 2000, thế hệ của tôi, thì mọi người bắt đầu tìm ra những con đường mới để đi Tây Âu, Australia, Canada. Và sau này là Bắc Âu. Bầu không khí của thành phố, trong nhà ngoài ngõ, cứ như một hội nghị bất tận để đi tìm khe hở trong chính sách nhập cư của các quốc gia OECD.
"Làm hôn thê" là một trong những cách để đi. Một trong những biểu hiện nói rằng một thứ đã trở thành văn hóa, là khi có một khái niệm được đặt tên riêng trong cộng đồng. Ở Hải Phòng, và một số địa phương trong cả nước, không ai gọi là "làm kết hôn giả" hay là "làm hôn thê giả" theo kiểu trên báo chí. Chỉ cần nói là "làm hôn thê" là người đối diện biết bạn đang làm gì.
Tôi đã nhận những thông báo như thế, từ bạn bè mình. "Tao đang làm hôn thê". Thông báo lúc nào cũng được nói ra bằng một giọng buồn bã. Bạn tôi, ở tuổi thanh xuân phơi phới, ăn học đầy đủ, đã quyết định rằng mình sẽ bỏ lại hết, để đối mặt với một tương lai vô định nơi xứ người. Tôi cũng buồn. Không ai muốn chia ly kiểu ấy. Nhưng tôi không bày tỏ ý kiến hay cảm xúc - tôi là người Hải Phòng. Tôi chỉ hỏi lại: "Làm đến đâu rồi?".
Làm hôn thê là một quy trình khá dễ hiểu. Thân chủ bỏ ra một số tiền, và nhờ "đầu bên kia" đi tìm cho mình một người có quốc tịch bản địa (việc này không quá khó, khi mà bạn đã có một cộng đồng bà con cô bác đông đảo đi định cư từ mấy thập kỷ nay). Người được thuê sẽ về nước, làm đám cưới, kèm theo một chuỗi các hoạt động "giả lập" quá trình yêu đương để qua mặt hệ thống tư pháp. Kết hôn rồi, thân chủ sang bên kia, tự tìm đường mưu sinh. Ngay sau khi có giấy tờ định cư, hợp đồng kết thúc, họ ly hôn.
Tất nhiên mọi thứ không đơn giản như thế. Các quốc gia phát triển ngày càng cảnh giác với hình thức "vượt biên" này, và đó là lý do cần có những người chuyên nghiệp lo mọi thứ. Đường dây mới bị bóc ra ở Mỹ gần đây là một ví dụ.
Tôi không muốn đi sâu vào quy trình kỹ thuật và khía cạnh luật pháp của việc "làm hôn thê". Nhưng tôi nghĩ nhiều về cảm xúc của những cuộc ra đi. Năm kia, khi nhà báo Hồng Phúc thực hiện phóng sự về những cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc ở miền Tây, tôi biên tập bài mất có một đêm. Logic từ cái nghèo, từ những xóm làng sông nước đi thẳng đến thôi thúc muốn lấy chồng ngoại không khó để diễn đạt. Nhưng tôi là người Hải Phòng. Điều kiện của chúng tôi luôn tốt hơn mặt bằng chung cả nước. Tôi không tự diễn giải được câu chuyện của thành phố mình.
Thế hệ tôi lớn lên trong thập kỷ 90, cho dù sinh ra trong gia đình nghèo, vẫn mang đầy tự hào là dân thành phố lớn. "Nghèo" theo chuẩn tương đối của cái thành phố này không đồng nghĩa với thiếu thốn. Tôi hay nghĩ về việc này: trong khi phần lớn đất nước không có nổi kênh truyền hình địa phương để mà xem thời sự, thì chúng tôi nghe nhạc MTV cả ngày. Trong khi các bạn ở đâu đó vẫn đang chăn trâu cắt cỏ thì chúng tôi đạp xe trên những con đường rợp bóng gạo gai và phượng vĩ, đi xuyên qua những khu nhà Pháp cũ, thảo luận về sự tan rã của Boyzone hay trao đổi tài khoản Yahoo! đầu đời. Chưa một giây phút nào tôi và bạn bè nghi ngờ mình đang hạnh phúc hơn phần lớn đất nước, và phần lớn thế giới, ở cái thành phố cảng này. Nhưng rồi vẫn lũ lượt rủ nhau đi.
Tôi nhìn từ góc độ của một người Hải Phòng chấp-nhận-việc-vượt-biên, tự khó hiểu với chính cảm xúc của mình và cộng đồng mình, rồi nhận ra một điều: thôi thúc xuất ngoại của rất nhiều người Việt Nam không xuất phát từ sự thiếu thốn vật chất hay là xung đột ý thức hệ cực đoan nào. Nó đã đến một cách rất thản nhiên.
Bạn bè tôi đã đi không phải vì hết sinh kế, cũng không phải vì nuôi ảo tưởng rằng ở nước ngoài sung sướng (tất cả đều ý thức rất rõ về sự vất vả của xã hội tư bản, và hiểu xã hội nào cũng có vấn đề riêng). Chỉ đơn giản là đi thì tốt hơn. Buồn bã, bặm môi mà đi, nhưng vẫn tốt hơn.
Tôi không định khái quát điều gì về Việt Nam: gần một trăm triệu người vẫn đang ở lại xây dựng đất nước. Điều kiện sống vẫn đang tốt lên ở nhiều nơi và nhiều người hài lòng. Nhưng cảm xúc "muốn đi" của một bộ phận là không thể chối bỏ, và nó tạo ra các tít báo có thật, tạo ra sự cảnh giác có thật của hải quan nhiều nước với công dân Việt Nam.
Tôi gọi điện cho một người bạn. Anh bỏ xứ để tìm đường lấy "thẻ xanh" khi đang giữ vị trí lãnh đạo ở một công ty lớn, bằng master ở Tây, đã có tên tuổi trong lĩnh vực, phía dưới có trăm mấy chục nhân viên. Vợ chồng anh bỏ ra mấy năm tìm đường hợp pháp để ra đi. Giờ bên kia, buổi sáng anh dậy sớm đi làm công nhân nông trại, phơi nắng cả ngày. Một cuộc ra đi cực đoan.
Tôi trình bày với anh băn khoăn của mình, rằng tại sao nhiều người trong chúng ta lại muốn đi, khi không hề thiếu thốn; rằng ra đi vì vật chất thì dễ hiểu quá, nhưng thật ra đâu phải là chuyện vật chất. Tất cả đều ý thức được rằng sống nơi xứ người sẽ vất vả hơn. Điều gì đã tạo ra thôi thúc này, và nếu không thể thực hiện trong đời mình, bao người đã lại truyền thôi thúc đó cho đời con?
Anh nói với tôi về một sự bất an. "Không phải chuyện chính trị. Không phải vấn đề kinh tế-xã hội. Anh không gọi được tên nó. Chỉ là một loại cảm giác".
Chúng tôi nói chuyện rất lâu, nêu ra nhiều ví dụ, nhưng không diễn đạt được thành công thôi thúc này - bằng các biện luận lý tính. Cuối cùng thì anh ấy chỉ biết rằng mình nên đi.
Tôi vẫn không tìm thấy câu trả lời của mình. Tôi tạm thời xếp vấn đề ấy sang một bên. Có thể tôi nhầm: các "con đường xuất ngoại" trong thế kỷ 21, như tôi nhìn thấy, chỉ mang tính tình huống. Đúng là có một vấn đề về người Việt nhập cư ở nước ngoài, nhưng chẳng có quy luật nào ở đây cả. "Muốn đi" là một dạng cảm xúc bỗng nhiên xuất hiện trong đời ai đó như đủ loại cảm xúc khác, chẳng có đúng-sai gì, chẳng mang hàm ý gì về xã hội Việt Nam đương thời.
Hoặc có thể có một quy luật nào đó, và nếu gọi được tên nó, ta sẽ tìm thấy cách giải quyết vấn đề của quốc gia mình.
Đức Hoàng
Những cuộc hôn nhân giả vì thẻ xanh trong cộng đồng người Việt ở Mỹ Hàng trăm nghìn người bước vào những cuộc hôn nhân giả để có thẻ xanh vào Mỹ hoặc nhận phúc lợi quân đội. Một số ... |
Nghi phạm cầm đầu đường dây kết hôn giả ở Mỹ dọa giết ai quỵt tiền phí Ashley Yen Nguyen được trả ít nhất 30.000 USD để giúp các khách hàng Việt kết hôn giả và sẽ thu thêm phí khi họ ... |
Dịch vụ 70.000 USD của đường dây môi giới hôn nhân giả khủng ở Texas Đường dây môi giới hôn nhân giả do người gốc Việt cầm đầu ở Texas cung cấp gói dịch vụ giá 50.000-70.000 USD cho những ... |