Đại diện Tổng cục Thống kê nhận định, lạm phát thế giới đã đạt đỉnh vào năm 2022 và có xu hướng giảm dần trong năm 2023, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.
- FED sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát
- Năm 2023, có thể kiểm soát lạm phát dưới 4,5%?
- Quý I/2023, CPI tăng 4,18%, GDP tăng 3,32%
6 nhóm hàng hoá giảm và 5 nhóm tăng trong tháng 3/2023
Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội tháng 3/2023 và quý I/2023. Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 được nghi nhận giảm 0,23% so với tháng trước. Tính chung quý I năm 2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 5,01%.
Cụ thể hơn về CPI tháng 3/2023, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết: Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm hàng giảm giá và 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước.
6 nhóm hàng hoá giảm bao gồm: Nhóm giáo dục giảm mạnh nhất với 1,71%, tác động làm CPI chung giảm 0,11 điểm phần trăm, trong đó nhóm dịch vụ giáo dục giảm 1,95%. Nguyên nhân theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê): Do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,58%, tác động làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm. Nhóm giao thông giảm 0,16% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá vào ngày 1/3/2023, 13/3/2023 và 21/3/2023 làm giá xăng, dầu giảm 0,36%, tác động làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm. Cùng với đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ giảm 0,03%, giá vận tải đường sắt giảm 24,78%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,05% do quy luật giảm tiêu dùng sau Tết Nguyên đán. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02% chủ yếu do giá điện thoại cố định, di động và máy tính bảng giảm. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,02% chủ yếu do thời tiết các tỉnh phía Bắc ấm dần lên và nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm.
Năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng trong tháng 3/2023 so với tháng trước là: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,36%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%.
Lạm phát đang trong xu hướng giảm dần
CPI bình quân quý I/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022, theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, mức tăng này do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng quý I/2023 tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,35 điểm phần trăm do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.
Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41%, tác động làm CPI tăng 0,94 điểm phần trăm chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng.
Cùng với đó, học phí giáo dục tăng 10,13%, tác động làm CPI tăng 0,62 điểm phần trăm do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch.
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9%, tác động làm CPI tăng 0,22 điểm phần trăm do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Giá điện sinh hoạt tăng 2,71%, tác động làm CPI tăng 0,09 điểm phần trăm, chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán tăng. Giá gạo trong nước tăng 2,24%, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao.
Lạm phát cơ bản quý I/2023 tăng 5,01% so với cùng kỳ năm trước. Đây được đánh giá là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua, lý giải về mức tăng này, bà Nguyễn Thu Oanh cho rằng, có một số nguyên nhân khiến lạm phát cơ bản quý I tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhớ lại cùng kỳ quý I/2022 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đến ngày 15/3/2022 Việt Nam mới mở cửa hoàn toàn với khách du lịch, nên so với cùng kỳ năm 2022, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá quý I/2023 tăng, khiến giá cả năm nay tăng so với năm ngoái. Ngoài ra, chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao, do giá nguyên vật liệu đầu vào trong nước tăng cũng phản ánh làm tăng giá cả và hàng tiêu dùng.
Cũng theo bà Nguyễn Thu Oanh, lạm phát thế giới được dự báo đã đạt đỉnh vào năm 2022 và đang có xu hướng giảm trong năm 2023, Việt Nam được dự báo cũng không nằm ngoài xu hướng đó, điều này được thể hiện rõ qua chỉ số CPI trong 3 tháng đầu năm 2023 đang theo xu hướng giảm dần.
Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Thu Oanh nhận định, Việt Nam có thể kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra trong năm 2023. Tuy nhiên, vẫn không nên chủ quan với diễn biến của lạm phát. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động có những giải pháp ứng phó với diễn biến lạm phát trong thời gian tới.