Trước thông tin nhiều lái xe tận dụng lợi thế chuyên trách để ép các chủ hàng phải chi trả mức phí cao hơn từ 2 đến 3 lần quy định, Lạng Sơn cho biết đang khẩn trương tiến hành kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm.
Chiều 20.4, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, trước thông tin một số lái xe lợi dụng nhu cầu bức thiết chuyển hàng qua biên giới để ép giá các chủ hàng, các cơ quan chức năng địa phương vừa tiến hành họp khẩn để rà soát, kiểm tra.
Ông Tiến nói: “Chúng tôi đã nắm được thông tin các tài xế tự ý nâng giá dịch vụ nên đang phối hợp cùng công an, biên phòng và các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu để kiểm tra, chấn chỉnh. Đây là trường hợp nghiêm cấm, nếu phát hiện sai phạm chúng tôi sẽ kiên quyết đưa ra khỏi danh sách lái xe chuyên trách và sẽ để nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Theo lời ông Tiến, để phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có chủ trương thành lập đội lái xe chuyên trách, được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ y tế, vận chuyển hàng hóa qua biên giới Việt-Trung.
Quy định của Lạng Sơn về mức chi phí cho đội ngũ lái lái xe chuyên trách. Ảnh: LN.
Khi bắt đầu triển khai, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị hiệp thương giữa các tài xế và doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa cùng thống nhất, mức giá trần tối đa cho mỗi chuyến hàng vận chuyển qua biên giới là 5.000.000 đồng cho 2 ngày đầu.
Đến ngày tiếp theo chưa trả hàng xong thì chi trả thêm 2.000.000 đồng và từ ngày thứ 4 trở đi thì chi trả thêm 1.500.000 đồng/ngày.
Điều đó đồng nghĩa với việc tài xế chở hàng từ bất cứ địa phương nào đến Lạng Sơn đều phải giao lại tay lái cho đội ngũ tài xế chuyên trách.
Tuy nhiên trên thực tế, những ngày gần đây, lái xe và chủ hàng xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều rất bức xúc trước việc các tài xế chuyên trách, được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp “thẻ hành nghề”, đã yêu cầu lái xe, chủ hàng phải trả những khoản tiền lớn cho quãng đường di chuyển khoảng 10 km. Có những chuyến hàng thậm chí bị làm giá đến 15, 17 triệu đồng trong thời gian chưa tới 2 ngày.
Bên cạnh đó, một số tài xế chuyên trách kể rằng họ cũng không được "làm tất, ăn cả" mà phải chia lại cho một người đàn ông tên là Phùng Ngọc Phương. Lý do chia bởi ông Phương là người đã có công xin cho nhóm tài xế vào danh sách được chở hàng qua biên giới.
Tình trạng này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản càng thêm khó khăn khi hàng hóa ùn ứ nhiều ngày, giá bán xuống thấp.
"Qua rà soát thì ở Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn không có ai tên là Phùng Ngọc Phương. Nhân vật này là ai, chúng tôi đang tiếp tục làm rõ" - ông Phan Hồng Tiến nói.
Cũng thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh, làm rõ thông tin phản ánh trên.
Quan điểm của UBND tỉnh Lạng Sơn là xử lý nghiêm, trường hợp đủ căn cứ phải xử lý hình sự, kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng nâng giá, chèn ép khi xuất khẩu nông sản qua biên giới.
2.600 xe hàng ùn tắc ở Lạng Sơn Nhằm phòng Covid-19, Trung Quốc siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới với Việt Nam khiến 2.600 xe hàng ùn ứ tại các ... |
Cửa khẩu ở Quảng Ninh: Tồn đọng hàng hóa vì thiếu lái xe trung chuyển Khan hiếm lái xe container người địa phương và quy định thông quan nghiêm ngặt đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 đã khiến một bộ ... |
Trung Quốc siết chặt cửa khẩu, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo khẩn Bộ NN-PTNT vừa có văn bản chỉ đạo khẩn các địa phương về việc xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới Việt-Trung ... |