Việc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chấp thuận cho xây dựng công trình lấn biển xây thủy cung và khách sạn 22 tầng gặp nhiều ý kiến tranh luận. Phóng viên báo Lao Động có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh thái học miền Nam về vấn đề này.

 

- Thưa ông, dưới góc độ là một chuyên gia về sinh thái học, ông đánh giá như thế nào về việc lấn biển để xây dựng thủy cung, cũng như khách sạn 22 tầng ở bờ biển TP.Vũng Tàu?

Việc xây dựng những công trình lớn ven bờ biển là hết sức nhạy cảm và không nên xây dựng. Vì Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã nói nhiều về việc không cho phép xây dựng kiên cố ở vùng ven biển, đặc biệt là vùng bờ biển nhạy cảm.

Phối cảnh công trình lấn biển xây thủy cung, khách sạn_Ảnh: CTV

- Việc triển khai lấn biển để xây dựng thủy cung và khách sạn 22 tầng sẽ tác động như thế nào tới môi trường sinh thái biển ở Vũng Tàu?

Bãi biển của Vũng Tàu là những bãi biển “chuyển động” theo chu kỳ, năm bồi năm lở. Những vùng biển này, nguyên tắc là không làm kè cứng vì sẽ gây xói lở. Nếu làm thủy cung sẽ ảnh hưởng dòng chảy, gây hở hàm ếch, sụt lún có thể cả đất liền, đến đường ven biển.

Tôi lo ngại xây dựng tòa nhà 22 tầng sẽ phải tiến hành khoan nước ngầm để cung cấp cho công trình lớn như vậy, việc khai thác nước ngầm ven biển chúng ta đang cố gắng khuyến cáo không nên thực hiện, vì làm sụt lún tầng bề mặt. Việc sụt lún có thể không xảy ra ở ngay vị trí xây dựng công trình mà có thể xảy ra ở vị trí khác vì khai thác nước ngầm gây ra những “vũng trũng” bên trong lòng đất. Thậm chí, có thể khiến bờ biển bị đứt gãy do khai thác nước ngầm.

Bài học về việc khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ.

- Người dân TP.Vũng Tàu và cộng đồng dân cư nói chung có thể được hưởng lợi gì từ dự án?

Tôi không cho rằng, đây là công trình không phục vụ tính chất cộng đồng. 

Bãi trước bãi sau của Vũng Tàu hiện nay đã rất đẹp và đang là nơi cộng đồng sử dụng chung hiệu quả, bây giờ bao chiếm, dựng công trình thì ai sẽ được thụ hưởng? Không phải những người có thu nhập thấp, những nông dân nghèo mà chỉ dành cho số ít. Các hàng rào, barie cũng sẽ được dựng lên để ngăn những người dân bình thường. Do đó, về mặt công bằng xã hội thì tôi cho rằng không nên triển khai dự án, về mặt môi trường càng không nên làm công trình lớn như vậy.

Dưới góc độ chuyên gia, tôi hoàn toàn phản đối dự án lấn biển xây thủy cung ở Vũng Tàu. Dù là dự án có được cấp phép, cũng sẽ gây thiệt hại môi trường rất lớn và không đánh đổi được.

Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 10.10, ông Phan Văn Mạnh - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hạng mục xây dựng thủy cung, khách sạn 22 tầng tại bờ biển Vũng Tàu đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tuy nhiên, tại cuộc họp ông Mạnh chưa cung cấp được ĐTM khi các phóng viên yêu cầu.

 

Sân bay Dubai sử dụng thủy cung ảo để kiểm tra an ninh
Góc khuất sau show cá heo của thủy cung lâu đời nhất Hong Kong
10 thủy cung lớn nhất thế giới

/ laodong.vn