DNNN và cơ quan quản lý nặng về xác định giá trị, thiếu tầm nhìn chọn NĐT tốt nhất để phát triển đường dài.

Quá trình cổ phần hoá (CPH) DNNN sẽ còn tiếp tục chậm chạp và khó thu hút NĐT tư nhân, đặc biệt là NĐT nước ngoài, nếu các vấn đề gây cản trở không được tháo gỡ quyết liệt. Những khuyến nghị này gần đây đến từ cả các chuyên gia kinh tế trong nước cũng như nước ngoài, từ các DNNN đang ách tắc cho đến DN đã gặt hái thành công sau CPH… cho thấy sức ép tháo gỡ rào cản cho CPH DNNN để thu hút NĐT ngoại là vô cùng lớn và cấp thiết.

NĐT ngoại kém mặn mà với CPH

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra thực trạng mà theo ông cũng là nghịch lý trong quá trình CPH DNNN. Đó là dù 96,5% số DN đã được CPH, nhưng chỉ có 8% số vốn Nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Như vậy, về số lượng kế hoạch CPH DNNN cơ bản hoàn thành, thậm chí có thể coi là xuất sắc nếu đặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, phân bổ lại nguồn lực thì kết quả là rất hạn chế.

Nguyên Nhân của tồn tại này, theo ông Thiên, là do tỷ lệ vốn nhà nước được phép bán rất hạn chế, cao nhất cũng chỉ là 49%. Như vậy, nguồn lực hầu như vẫn giữ nguyên cơ cấu sở hữu nhà nước chi phối và các chủ tư nhân vẫn phải đứng ngoài cơ cấu quản lý DN. Cũng vì CPH không triệt để nên quá trình này chưa thu hút được các NĐT nước ngoài.

Ông Tony Foster, Luật sư điều hành Công ty Luật Freshfields (Anh) cũng cho rằng việc hạn chế nắm giữ cổ phần của NĐT nước ngoài sẽ tiếp tục cản trở quá trình CPH DNNN. “Một NĐT chiến lược mà chỉ sở hữu 15 - 20% cổ phần của một DNNN thì làm sao họ có thể có được vị trí giữ vai trò quyết định trong HĐQT để có quyền tiếp cận thông tin, gây ảnh hưởng tác động trong DN đó…”, vị này đặt vấn đề.

Quy trình chào bán cũng như công bố thông tin chưa rõ ràng, minh bạch... cũng là những thách thức cản đường CPH DNNN. Theo ông Tony Foster, các tài sản của DN phải được thống kê, niêm yết, công bố rõ ràng. Ví dụ để tham gia vào một DN hàng không, NĐT phải được biết rõ ràng là DN có quỹ đất bao nhiêu, đường băng dài bao nhiêu, diện tích sân đỗ… hoặc quy hoạch khu vực nào xây được nhà ga, chỗ nào làm đường băng… Vì vậy, luật sư này kiến nghị các cơ quan Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định pháp luật sao cho NĐT nước ngoài được nắm giữ trên 49% cổ phần trong các DN CPH hay thoái vốn Nhà nước.

Chậm ngay từ khi lên kế hoạch

Nhìn nhận về các nguyên nhân cản trở NĐT nước ngoài tham gia vào quá trình CPH DNNN, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban cải cách và Phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ngay từ đầu tỷ lệ nắm giữ của nhà nước đã được đặt ra quá cao, vì vậy khó có thể khiến NĐT nước ngoài nhiệt tình tham gia. Vị này cho rằng các báo cáo về kết quả CPH ghi nhận số vốn thu được trên thực tế lớn hơn rất nhiều so với số vốn sổ sách.

Tuy nhiên các ghi nhận tích cực như vậy chỉ là trên các vụ thành công, chiếm số ít. Theo ước tính của CIEM, số vốn thu về thực chất chỉ đạt khoảng 30% so với số vốn cần thoái là khoảng trên 100.000 tỷ đồng. Điều này đặt ra câu chuyện phương thức thoái vốn đang có vấn đề.

Ông Trung phân tích, kế hoạch phê duyệt CPH 508 DNNN giai đoạn 2011-2015 vừa qua đặt ra mục tiêu 65% cổ phần do Nhà nước nắm giữ, tư nhân 16%, NĐT chiến lược 15%. Các con số này đặt ra vấn đề là tại sao ngay từ kế hoạch thu hút đầu tư bên ngoài đã thấp đến như vậy? Theo ông Trung, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức sàn nhưng thực tế vẫn quá cao.

Rất nhiều DN không thuộc diện nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nhưng ngay từ khi lập phương án phê duyệt vẫn quy định tỷ lệ nắm giữ cao hơn so với mức cần thiết. Chính vì vậy rất nhiều DN mặc dù kế hoạch đặt ra là Nhà nước nắm giữ 65%, nhưng sau IPO thực tế vẫn lên tới hơn 80%, NĐT chiến lược cũng chỉ nắm được 7%, NĐT tư nhân khoảng 10%. Số vốn Nhà nước thu hồi quá ít vì vậy thực tế phần vốn và tài sản Nhà nước vẫn nằm ở hầu hết các ngành lĩnh vực của nền kinh tế, chưa phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu DNNN.

Đại diện cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), là DNNN quy mô lớn đầu tiên thực hiện tương đối thành công quá trình CPH, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex đồng tình với việc phải giảm tối đa sở hữu của Nhà nước tại DN thì quá trình CPH mới “đắt hàng”. Ông Trường nhấn mạnh, Vinatex đã có kinh nghiệm gần 20 năm thực hiện cổ phần lần lượt từ các công ty thành viên lên tới tổng công ty và quá trình thực tế cho thấy nếu cứ tiến hành CPH mà Nhà nước không giữ tỷ lệ chi phối thì bán rất nhanh và được giá tốt vì NĐT vào và tham gia quản trị được. “Còn nếu bán mà Nhà nước giữ chi phối thì y như rằng giá thấp và quá trình CPH diễn ra rất lâu. Vì vậy cứ mạnh dạn bán càng sâu thì giá càng cao”, ông Trường chia sẻ.

Qua quá trình thực tế, đại diện của Vinatex cho hay CPH vướng nhất hiện nay nặng về xác định giá trị, nhưng lại thiếu góc nhìn phải bán cho người tốt nhất để trong đường dài có DN sau cổ phần hoạt động tốt nhất, thu lợi nhuận, nộp thuế nhiều nhất. Chính vì vậy, khi lên phương án CPH phần lớn DN bị lấn cấn do vướng phải các vấn đề về tài chính, xác định giá trị DN từ những tài sản hữu hình như đất đai cho đến vô hình như thương hiệu…

Đồng quan điểm, ông Jonathan Ooi, chuyên gia về M&A, Công ty tư vấn PriceWaterhouse Coopers chỉ ra thực tế là nhiều DN đưa ra mức giá cao gấp 2-3 lần so với giá mà NĐT nước ngoài kỳ vọng. Mức chênh lệch lên tới 2-3 lần là khó có thể ngồi đàm phán được. Vị này cho rằng các DNNN hiện nay thường tự định giá tài sản đất đai là quá cao, trong khi các NĐT chiến lược chỉ quan tâm đến ngành cốt lõi. Để giải quyết vấn đề, chuyên gia này khuyến nghị DN phải tự cơ cấu lại quản trị và hoạt động để phù hợp với tiêu chí của NĐT nước ngoài. Như vậy các NĐT cũng sẽ có thêm cơ sở để xem xét dòng tiền tương lai của DN, xem tiềm năng phát triển của DN ra sao để đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng.

/ Theo Thời báo Ngân hàng