Gan của nam thanh niên 30 tuổi (Hà Nội) chết não đã được ghép cho một bé 8 tuổi và một nam bệnh nhân 49 tuổi.
Chàng trai bị tai nạn giao thông, chết não. Gia đình hiến toàn bộ tạng của anh để cứu các bệnh nhân khác. Một quả tim, hai quả thận và lá gan của người hiến đã được ghép cho các bệnh nhân phù hợp vào ngày 9/3.
Ban đầu bệnh nhân được chọn phù hợp để ghép gan của chàng trai là một người đàn ông 49 tuổi ở Hà Nội tiền sử viêm gan B, xơ gan, hai tháng trước phát triển thành ung thư gan. Trong lúc đang chuẩn bị ca phẫu thuật ghép gan cho nam bệnh nhân này thì các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện Nhi Trung ương để hội chẩn trường hợp bé gái 9 tuổi.
Bé bị xơ gan mất bù, rối loạn chuyển hóa đồng, teo mật, kết hợp bệnh lý hiếm gặp, hôn mê, da vàng đậm. Bé rơi vào tình trạng rối loạn đông máu nặng, tiền hôn mê gan, 90% nguy cơ tử vong.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định chia đôi lá gan của người hiến để cùng lúc ghép cho cả hai bệnh nhân này.
Bệnh nhân 49 tuổi ghép một phần lớn lá gan của người hiến, hiện sức khỏe ổn định sau ca ghép. Ảnh: K.O. |
Sáng 9/3, cùng lúc 6 bàn mổ được chuẩn bị để lấy đa tạng từ người hiến và ghép cho các bệnh nhân. Lá gan sau khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến được bác sĩ chia thành hai phần. Phần nhỏ nặng khoảng 250 g ghép cho bệnh nhi, phần còn lại ghép cho nam bệnh nhân.
Ca ghép gan cho người lớn diễn ra trong 5 tiếng đồng hồ, trong khi thời gian ghép cho bé gái đến gần 9 giờ do phải nối vi phẫu.
Hiện, nam bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, chức năng gan hồi phục, hôm nay được rời phòng hồi sức tích cực. Bé gái cũng sẽ được ra khỏi phòng hồi sức trong vài ngày tới, chức năng gan đã hồi phục, không rối loạn đông máu, mật từ gan mới tiết ra tốt.
Các bệnh nhân được ghép tim và hai thận của chàng trai cũng đều ổn định sức khỏe. Các đoạn mạch máu của người hiến cũng đã được lấy ra và gửi vào Ngân hàng mô bảo quản để ghép cho những bệnh nhân khác.
Em bé ghép 250 g gan từ người hiến, đang được chăm sóc tại Phòng hồi sức tích cực sau ca phẫu thuật. Ảnh: K.O. |
Tiến sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thành công của kỹ thuật chia gan ghép mở ra cơ hội sống cho rất nhiều bệnh nhi bị teo mật. Hiện, mỗi năm Bệnh viện Nhi phẫu thuật cho 70-80 ca teo mật bẩm sinh, Đến khi trưởng thành, hơn 1/2 số bệnh nhân này sẽ phải ghép gan. Trước đây, cách duy nhất là lấy gan từ người cho còn sống.
Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca phẫu thuật "Chia gan để ghép cho hai bệnh nhân nhận gan từ một người hiến chết não".
Kỹ thuật chia gan để ghép hiện nay chưa phổ biến trên thế giới. Năm 2016, Mỹ là quốc gia ghép gan nhiều nhất thế giới thì số ca chia gan để ghép chỉ chiếm 1%, tại châu Âu tỷ lệ này 6%.
Ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam ngày ấy và bây giờ Đã 13 năm trôi qua từ ghép gan đi vào lịch sử ngành ghép tạng Việt Nam, bé Nguyễn Thị Diệp - bệnh nhân may ... |
9 tiếng ghép gan cứu sống bệnh nhân tiền hôn mê Bệnh nhân suy gan nặng, bắt đầu bước vào giai đoạn tiền hôn mê, nếu không ghép gan ngay sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. |