Sau khi ra tù trở về quê hương, ông Mưu Quý Sường chán nản vì đã mất tất cả, tủi nhục vì bị mọi người ghẻ lạnh. Trong lúc bế tắc, ông đã gặp được bà Cú - người vợ thứ 2 đầy tình thương và tin tưởng vào sự trong sạch của ông…
Mối lương duyên tiền định
Sau hơn 11 năm ăn cơm tù, tháng 4/1988, ông Mưu Quý Sường được thả ra và quay trở về địa phương sinh sống. Với tội danh “giết vợ”, ông Sường bị mọi người ghẻ lạnh, xa lánh. Lúc này, bố nuôi thì đã mất, mẹ nuôi đã già yếu ở với một người em. Hai người con của ông đã được người họ hàng mang sang Trung Quốc nuôi dưỡng để tránh điều tiếng. Không còn ai thân thích, bơ vơ không có nơi nương tựa, nhiều lúc ông đã muốn tìm đến cái chết để quên đi tất cả.
Bà Cú bên di ảnh ông Sường.
Trong khi ông Sường đang bơ vơ thì gặp bà Cú đang mở một hàng nước nhỏ tại quê hương. Bà Cú chia sẻ: “Chồng mất sớm, để lại cho tôi 4 đứa con thơ dại. Khi đó, ông Sường hay đến quán nước của tôi ngồi chơi. Khi ông tâm sự với tôi, ông ấy khóc vì tủi nhục, cô đơn, tay trắng, gia đình tan nát. Có một lần ông ấy vừa nói vừa khóc rằng mình bị oan, ông không giết vợ nhưng lại mang danh giết vợ, nhưng vì người thân không còn, mọi người xa lánh nên ông không biết chia sẻ với ai.
Lúc đó tôi nghĩ, một người đàn ông mà vừa nói vừa khóc như thế hẳn không phải là người giết vợ. Tôi thương cảm hoàn cảnh của ông, ông cũng cảm thương tôi còn trẻ mà đã góa chồng, mà phải nuôi 4 đứa con thơ dại. Chính vì thế mà chúng tôi quyết nương tựa vào nhau để sống, để nuôi 4 đứa trẻ nên người”.
Quyết định của bà Cú vấp phải sự phản đối dữ dội của gia đình bà và bên nội của 4 đứa trẻ. Ai cũng lo ông Sường đã có tiếng mưu hại vợ. Nhưng vì tin tưởng ông Sường bị hàm oan nên bà cú vẫn quyết tâm đến với người đàn ông này.
Tháng 2/1989, bà Cú sinh người con chung đầu tiên với ông Sường đặt tên là Lợi. Năm 1990, bà Cú hạ sinh tiếp người con thứ hai là Thìn. Dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng ông bà quyết tâm bảo ban nhau kiếm sống và nuôi dậy con thật tốt…
Cùng chồng đi kêu oan
Tuy đau đáu với nỗi oan khiên nhưng ông Sường và bà Cú lại không biết nên bắt đầu từ đâu để giải quyết nỗi oan đó.
Đơn kêu oan của ông Sường gửi tới Công an tỉnh Bắc Giang.
Cho đến một ngày khi nghe mọi người nói rằng có chuyện giải oan nên vợ chồng ông Sường và bà Cú làm đơn đi đến gõ cửa các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang và các cơ quan của Trung ương. Suốt từ năm 2008, 2 người đã đi khắp nơi từ Trung ương đến các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang gửi đơn từ nhưng chưa được giải quyết. Mãi đến tháng 11/2008 thì hai người mới nhận được công văn của Công an tỉnh Bắc Giang và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang trả lời.
Theo đó, việc ông Sường đi đòi oan sai là có cơ sở vì cơ quan điều tra không có đủ căn cứ kết luận ông phạm tội. Tuy nhiên việc bồi thường khi bị kết án oan của ông thì lại không đơn giản như những trường hợp khác.
“Trong suốt 5 năm, kể từ năm 2008 đến năm 2013, dù hoàn cảnh khó khăn, ông bà vẫn “tay gậy tay bị” đi đến các cơ quan bảo vệ pháp luật để kêu oan nhưng vì không muốn giải quyết nên người ta từ chối. Có lúc ông bà cảm thấy bế tắc…”, anh Quang - con rể bà Cú cho biết.
Năm 2013 vì tuổi cao, sức yếu nên ông Sường đã qua đời. Trước khi mất, ông Sường có dặn dò vợ con rằng: “Bố không giết vợ, bố bị oan, bố rất khổ tâm vì tiếng xấu của bố là món nợ nhục nhã truyền kiếp đối với gia đình các con, các cháu sau này. Nếu các con không minh oan được cho bố thì sẽ bị người đời coi khinh và bị chính quyền mặc cảm hết đời này sang đời khác, không rửa được đâu. Các con phải cố kêu oan, minh oan cho bố. Bố luôn tin tưởng pháp luật…”.
Lời trăng trối cuối cùng của ông Sường càng khiến mẹ con bà Cú quyết tâm tìm lại công bằng cho người chồng, người cha đã khuất.
Đến tháng 8/2016, trong khi mọi người đang ngồi xem tivi thì có biết tin cụ thêm ở Bắc Ninh được minh oan sau hơn 40 năm bị xử oan. Khi đó, các thành viên trong gia đình mới đặt ra câu hỏi, tại sao bố mình bị bắt năm 1977 mà lại không được minh oan?
Nhớ lời dặ dò của chồng trước lúc lâm trung, cùng với niềm tin vào pháp luật, gia đình bà Cú đã lặn lội sang tận nhà cụ Thêm ở Bắc Ninh để hỏi thăm và tìm hiểu về hành trình minh oan cho cụ. Tại đây, gia đình bà được người nhà cụ Thêm giới thiệu luật sư Nguyễn Văn Hòa, người đã đi tìm lại công bằng cho gia đình cụ Thêm.
Sau đó, gia đình bà Cú đã lặn lội xuống tận huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội để gặp gỡ luật sư Hòa. Thân chủ và luật sư đã ngồi cùng nhau tìm hướng kêu oan cho ông Sường…
(Còn nữa…)
Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam: Được giải oan giết vợ sau khi qua đời 5 năm (kỳ 1) Bị cáo buộc tội danh giết vợ, phải ăn cơm tù 11 năm dù không có một phiên tòa xét xử. Số phận dường như ... |