Latvia ngày 21/10 bước vào đợt phong tỏa mới kéo dài gần một tháng tới 15/11 sau khi các ca nhiễm tăng vọt chưa từng có tiền lệ.
Nước này trở thành nơi đầu tiên ở châu Âu tái áp đặt các biện pháp hạn chế giữa lúc làn sóng ca nhiễm tăng vọt ở hàng loạt quốc gia tại lục địa già, theo Guardian.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), quốc gia vùng Baltic có tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất trên thế giới, sau khi ngăn chặn thành công virus trong nhiều tháng.
“Hệ thống y tế của chúng tôi đang gặp nguy hiểm... Cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là tiêm vaccine", Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho biết sau cuộc họp khẩn cấp. Ông cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp là nguyên nhân dẫn đến số ca nhập viện tăng đột biến.
Khoảng 54% người trưởng thành ở Latvia đã được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 74%, theo dữ liệu của EU. Latvia trong suốt thời gian dài từng được coi là một trong số ít những câu chuyện thành công về chống Covid-19 của châu Âu, ghi nhận ít hơn 3.000 ca tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho rằng việc tiêm chủng chậm chạp và không đồng đều đã dẫn đến sự gia tăng đột biến các nhiễm.
Latvia là quốc gia châu Âu đầu tiên tái phong tỏa vì Covid-19 |
Trong khuôn khổ lệnh phong tỏa mới đi vào hiệu lực, chính phủ Latvia áp giờ giới nghiêm vào ban đêm trong một tháng, từ 20h tới 5h sáng hôm sau. Trường học và tất cả cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm mới ở châu Âu tăng 7% vào tuần trước và đây khu vực duy nhất trên thế giới gia tăng ca bệnh. Bộ trưởng Y tế Ba Lan, Adam Niedzielski, hôm 20/10 cho biết đất nước này đang phải trải qua “sự bùng nổ của đại dịch trong suốt hai ngày qua”.
Ông đồng thời cảnh báo tình hình dịch Covid-19 trong nước đang “trở nên nghiêm trọng”. Số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại Ba Lan đã vượt quá mốc 5.000 lần đầu tiên kể từ tháng 5.
Nước láng giềng Slovakia đã báo cáo 3.480 trường hợp nhiễm mới vào ngày 19/10, con số cao nhất kể từ mùa xuân, theo dữ liệu của Bộ Y tế.
Cùng ngày, Bulgaria ghi nhận tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất kể từ cuối tháng 3. Giới chức buộc phải áp dụng hộ chiếu vaccine ở phòng tập thể dục, bảo tàng, quán cà phê và các địa điểm công cộng khác để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Tại Romania và Ukraine, nhiều bệnh viện địa phương đã phải chịu áp lực rất lớn. Hai quốc gia này đã công bố số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục trong tháng này.
Tại Nga, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với EU khi chỉ có 1/3 dân số được tiêm chủng đầy đủ, đã báo cáo số ca tử vong hàng ngày vì Covid-19 cao nhất từ trước tới nay - với 1.028 người chết vì virus trong 24 tiếng vừa qua.
Nga đang là điểm nóng về tình hình đại dịch Covid-19 |
Hôm 18/10, Nga ghi nhận hơn 34.000 trường hợp nhiễm nCoV trong một ngày, cao nhất kể từ đầu đại dịch, trong khi số ca tử vong tăng thêm hơn 1.000 lên hơn 225.000, cao nhất châu Âu. Theo các cuộc khảo sát, 55% người dân nước này cho biết họ không sợ nhiễm virus. Giới chuyên gia nhận định cách truyền tải thông điệp của Điện Kremlin đã dẫn đến tình trạng này. Tính đến ngày 18/10, mới chỉ 32% trong gần 146 triệu dân Nga được tiêm chủng đầy đủ, dù đây là nước đầu tiên phê chuẩn vaccine Covid-19 từ tháng 8/2020 với vaccine Sputnik V. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hơn một nửa dân số không có kế hoạch đi tiêm.
Trong làn sóng đại dịch đầu tiên, 60% hộ gia đình Nga cho biết họ bị mất thu nhập do khủng hoảng kinh tế. Đây dường như là một trong những lý do khiến họ tỏ ra không còn bận tâm đến tình trạng virus lây lan.
Phóng viên (t/h)
https://nghenghiepcuocsong.vn/lan-song-covid-19-quay-tro-lai-chau-au/?fbclid=IwAR17ZOTsb726Gp5cMoL6Nvn6_kFWWM0eEkChfK9DizQPxEzrmsayMCY_JsE
Năng lượng, khí hậu và COVID-19 "hâm nóng" Thượng đỉnh EU |
Xuất hiện biến chủng COVID-19 nguy hiểm hơn Delta |