Để có được những tuyến đường rộng rãi trải nhựa phẳng lì, không chỉ tại khu vực trung tâm huyện, xã, mà ngay cả ở các thôn, buôn xa xôi nhất của huyện Di Linh (Lâm Đồng), nhiều năm qua, bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã nhiệt tình hưởng ứng, tin tưởng đồng hành cùng chính quyền địa phương, đóng góp sức người, sức của, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
- Người bình dân hiến đất mở đường "chê" đại gia chiếm hẻm thành của riêng
- Hiến đất mở hẻm: Khi lòng dân và chính quyền đồng thuận
- Người dân TP.HCM hiến đất tiền tỷ mở rộng hẻm
Con đường đi qua tổ dân phố Ka Ming, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, trước đây bề rộng chỉ được 3m, quanh năm ngập ngụa sình lầy, bụi bặm, xe ôtô có tải trọng lớn không thể vào được. Nay, tuyến đường rộng thênh thang tới 13m, chưa tính lề đường, lối ra trung tâm thị trấn Di Linh đang hoàn thiện những khâu cuối cùng. Con đường được mở rộng gấp hơn 4 lần hiện trạng, phải thu hồi đất, giải phóng nhà ở và các công trình khác của hơn 100 gia đình, trong khi kinh phí dự án lại hạn chế. Rất may, dự án này sự thống nhất, đồng thuận cùng chính quyền và chủ đầu tư của bà con địa phương, theo phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bà con trong vùng thụ hưởng tự nguyện hiến đất để mở rộng đường.
Ông Phạm Thành Đồng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện Di Linh cho biết, để thị trấn Di Linh đạt được các điều kiện của đô thị loại 4 vào năm 2025, chỉ tính riêng tổ dân phố Ka Ming cần phải đầu tư xây dựng 3 tuyến đường đi qua, nối vào đường vành đai Đông Bắc và đường tới khu sản xuất của người dân với tổng chiều dài là 4.440m. Chỉ tính riêng tuyến đường trục chính nối ra trung tâm thị trấn có chiều dài 1,2km, rộng 13m, chưa tính hành lang, hai tuyến đi vào khu sản xuất mặt đường rộng 5m, tổng diện tích vận động hiến đất là 22.200m2, đi qua 223 hộ. "Khu vực này hầu hết là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn".
"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Không chỉ các dự án liên quan tới vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, ngay những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hằng ngày, các tổ dân vận, hòa giải, nơi tập trung người có uy tín, chức sắc tôn giáo, già làng… ở cơ sở đã làm tốt công tác chuyên môn. Nhờ làm dân vận hiệu quả mà nhiều dự án nâng cấp, mở rộng đường sá, nhà văn hóa và các công trình phục vụ công cộng khác tại huyện Di Linh nhà nước đã không mất thêm tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Tất cả đều được nhân dân tự nguyện giao hiến.
Ban đầu, khi tổ dân vận tới nhà thuyết phục hiến hơn 700m2 đất để mở rộng đường thông ra trung tâm huyện Di Linh mà không nhận được tiền bồi thường, gia đình bà Ka Dốp đã thẳng thừng từ chối. Bởi hơn 700m2 đất ở thị trấn Di Linh mà gia đình bà Dốp đang sử dụng trên thị trường có giá hàng tỷ đồng. Đó là một khoản tiền cực lớn đối với bà con địa phương, vốn phần lớn kinh tế gia đình không khá giả gì. Thế nhưng, không chỉ vận động suông, ông K'Gẹo, ngụ thị trấn Di Linh, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh), Nguyễn Công Lành, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Di Linh Thượng 2, nơi có tuyến đường đi qua đã gương mẫu tiên phong.
Các công trình xây dựng trên đất được ông K'Gẹo, ông Nguyễn Công Lành phá bỏ, gọi chủ đầu tư tới bàn giao mặt bằng. Thấy cán bộ gương mẫu, dự án được công khai, minh bạch, gia đình bà Ka Dốp, rồi hộ ông K'Sôm, K'Brỏh, Mo Lom Bôs, K'Dực… đã đồng lòng tự nguyện tháo dỡ cổng, hàng rào, sân, vật kiến trúc tại nhà mình để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Hơn 100 hộ còn lại, không ai bảo ai, tất cả đều tự giác làm theo. Thậm chí, không ít gia đình còn tháo dỡ một phần căn nhà với giá trị hàng tỷ đồng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư mở rộng tuyến đường.
Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện có 22 công trình, dự án được nhân dân tự nguyện hiến đất để làm, diện tích đất bị ảnh hưởng trên 70ha, số hộ dân tự nguyện hiến đất lên tới trên 2.000 hộ. Ước tính số tiền nhân dân đóng góp theo giá trị đất trong vòng 5 năm qua đạt trên 200 tỷ đồng. Việc bà con hiến đất để triển khai các dự án không chỉ giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, mà còn thể hiện sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.