Những ngày này, làng Mật Sơn, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa – ngôi làng làm đèn ông sao, đèn kéo quân lâu đời và lớn nhất xứ Thanh nhộn nhịp hẳn lên khi Tết Trung thu đang tới gần.
Có mặt tại làng Mật Sơn (nay gọi là phố Mật Sơn 2), thuộc phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa, chúng tôi mới cảm nhận được sự nhộn nhịp, hối hả và tinh thần hăng say lao động của những nghệ nhân để tạo ra những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân phục vụ các em thiếu nhi trong dịp Tết Trung thu đang cận kề.
Theo tìm hiểu, những năm 60 của thế kỷ trước, nghề làm hoa giấy (làm hàng mã) đã xuất hiện trên đất Mật Sơn. Năm 2016, nơi đây được công nhận làng nghề thủ công truyền thống với hơn 50 hộ sản xuất ra các sản phẩm từ chất liệu giấy phục vụ cho các ngày lễ tết ...
Hơn 10 năm nay, vào dịp Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm, tại 3 khu phố: Mật Sơn 1, Mật Sơn 2 và Mật Sơn 3, nhiều hộ đã nắm bắt thị hiếu chuyển sang làm đèn ông sao, đèn kéo quân. Đây được xem là nơi duy nhất ở tỉnh Thanh Hóa còn sản xuất ra các sản phẩm truyền thống phục vụ cho Tết Trung thu.
Ông Nguyễn Đức Hùng (55 tuổi), trú tại phố Mật Sơn 2 (chủ cơ sở Đức Hùng) cho biết: Đây là nghề thủ công gia truyền của gia đình ông và đã có cách đây khoảng 30 năm. Xuất phát của nghề này lúc đầu các hộ dân chủ yếu làm vàng mã, hoa giấy phục vụ cho nhu cầu cúng bái, tâm linh của người dân. Cách đây khoảng 10 năm, khi thị trường có nhu cầu, vào dịp Tết Trung thu các hộ dân đã bắt đầu làm đèn ông sao, đèn kéo quân bán cho các em thiếu nhi.
Cũng theo ông Hùng, để làm ra được một chiếc đèn ông sao hay đèn kéo quân hoàn chỉnh thì có rất nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian. Mỗi người sẽ phụ trách làm mỗi công đoạn trong quá trình làm đèn. Đầu tiên, người có kinh nghiệm sẽ phụ trách việc chọn nguyên liệu, đo đạc tính toán để định hình xong mới chuyển cho người lắp ráp thành khung hình chiếc đèn ...
Tiếp đó, sẽ có thợ dán giấy, trang trí các họa tiết tiếp cho chiếc đèn được hoàn chỉnh và trở nên bắt mắt. Hình vẽ trang trí trên chiếc đèn thường là hình ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, các hình ngộ nghĩnh phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Kích thước mỗi chiếc đèn có đường kính dao động từ 1 – 5m. Giá bán mỗi chiếc đèn tùy theo kích thước cũng dao động từ 150 – 500.000 đồng.
Trong dịp Tết Trung thu năm nay, gia đình ông Hùng sản xuất gần 500 sản phẩm gồm đèn ông sao, đèn kéo quân để phục vụ cho thị trường Thanh Hóa và các tỉnh lân cận.
Bà Châu Thị Thanh, trú tại phố Mật Sơn 2 (chủ cơ sở Minh Thanh) cho biết, để đáp ứng đủ lượng hàng đèn ông sao và đèn kéo quân cung cấp cho thị trường trong dịp tết Trung thu năm nay, cơ sở bà phải huy động tối đa nhân công làm việc suốt ngày đêm. Cũng như các gia đình khác trong khu phố, đây là nghề gia truyền của bà đình bà Thanh và bà đã theo nghề này hơn 20 năm.
Cũng theo bà Thanh, các bạn hàng sẽ liên hệ đặt hàng trước về số lượng và kích thước mỗi chiếc đèn. Sau một ngày, lần lượt các bạn hàng sẽ luân phiên nhau đưa xe tới để nhận hàng giao cho các đại lý trên địa bàn tỉnh. Dù không cho thu nhập quá cao, nhưng đây là nghề mang lại cuộc sống sung túc cho những hộ gia đình nơi đây. Theo dự kiến, Tết Trung thu năm nay gia đình bà Thanh sẽ làm ra từ 700 - 800 chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân để cung cấp cho thị trường.
Lúc chúng tôi có mặt, 4 – 5 chiếc xe tải từ khắp mọi nơi phải rất khó khăn để tránh nhau khi tới phố Mật Sơn nhận hàng. Các chủ cơ sở đang chạy đua với thời gian để làm ra những chiếc đèn đẹp nhất, kịp chuyển đến tay các em thiếu nhi trong đêm Lễ hội trăng rằm.
Ảnh: Về nơi cả năm sản xuất món đồ chơi độc đáo chỉ bán dịp Trung thu Cả trăm nghìn chiếc trống đồ chơi được người dân thôn Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) tích góp chỉ để ... |
Bánh trung thu điêu khắc giá cao vẫn "cháy" hàng Dù giá cao gấp đôi loại truyền thống, bánh trung thu điêu khắc với những họa tiết lạ, làm thủ công vẫn rất hút khách. |
Ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao, đèn thỏ ngọc bắt đầu "sốt" mùa Trung thu Những ngày đầu tháng 8 (âm lịch), không khí trong nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (thôn Hậu Ái, Vân Canh,Hoài Đức, Hà Nội) nhộn ... |