Yêu cầu hủy dự luật dẫn độ được gửi tới chính quyền Hong Kong trong bối cảnh cuộc biểu tình thứ hai để phản đối dự luật sắp diễn ra.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam phát biểu trong cuộc họp báo hôm 10/6. Ảnh: AFP. |
Cảnh sát đang điều tra một cuộc điện thoại nặc danh đe dọa sẽ giết trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam, người đứng đầu cơ quan tư pháp Teresa Cheng và gia đình họ nếu dự thảo luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sửa đổi không được rút trong vòng 24 giờ.
Lời đe dọa xuất hiện trong bối cảnh đông đảo người dân Hong Kong chuẩn bị tham gia cuộc biểu tình thứ hai nhằm phản đối dự luật cho phép dẫn độ tội phạm sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục, để xét xử. Đám đông bắt đầu tập trung gần trụ sở Hội đồng Lập pháp và xung quanh ga Admiralty từ đêm qua.
Đại diện hơn 100 cơ sở kinh doanh ở Hong Kong tuyên bố đồng loạt đóng cửa vào hôm nay, cho phép các nhân viên tham gia cuộc biểu tình, dù bà Lam cảnh báo điều này không đem lại lợi ích gì cho thành phố. "Tôi hy vọng các trường học, phụ huynh, tổ chức, doanh nghiệp và công đoàn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ủng hộ bất kỳ hành động cực đoan nào", bà nói.
Trước khi cơ quan lập pháp thảo luận về dự luật dẫn độ vào sáng nay, 5.000 cảnh sát đã được điều động để đối phó với cuộc biểu tình. Nhân chứng cho biết hàng chục sĩ quan đã chặn người qua đường và lục soát túi của họ, khiến nhiều người tức giận bởi cho rằng cảnh sát đang vượt quá thẩm quyền.
Cảnh sát tập trung quanh trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong rạng sáng nay. Ảnh: SCMP. |
Những người tổ chức cuộc biểu tình hôm 9/6 cho biết hơn một triệu người đã tham gia tuần hành, trong khi cảnh sát đưa ra con số 240.000 người. Bất chấp sức ép từ đám đông, bà Lam khẳng định tầm quan trọng của dự luật dẫn độ bởi nó "giúp duy trì công lý và bảo đảm Hong Kong thực thi các nghĩa vụ quốc tế trong vấn đề tội phạm xuyên quốc gia".
Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được quyền duy trì một hệ thống pháp lý riêng biệt, độc lập với Trung Quốc đại lục và hai bên cũng không ký bất cứ thỏa thuận dẫn độ nào.
Người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác. Nhiều người gọi đây là động thái thân Bắc Kinh và bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)
Người Hong Kong dọa đóng cửa tiệm đồng loạt để phản đối dự luật dẫn độ Các cơ sở kinh doanh ở Hong Kong tuyên bố đóng cửa để thể hiện đoàn kết và ủng hộ cuộc biểu tình phản đối ... |
Tương lai của Hong Kong nếu dự luật dẫn độ được thông qua Dự luật có nguy cơ khiến Hong Kong mất sức hấp dẫn với giới tài chính, trong khi người dân lo ngại về ảnh hưởng ... |