Lãnh đạo nhiều quốc gia lên tiếng giải thích và phủ nhận thông tin được tiết lộ trong Hồ sơ Pandora.
Hôm 3/10, Hồ sơ Pandora được công bố, trong đó chứa hàng triệu tài liệu tiết lộ bí mật về các giao dịch và tài sản ở nước ngoài của hơn 100 tỷ phú, 30 nhà lãnh đạo và 300 quan chức trên thế giới. Trong đó có các quan chức Pakistan, Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades, Vua Abdullah II của Jordan, … Trước thông tin có nguy cơ gây hỗn loạn đất nước này, nhà lãnh đạo các quốc gia đã lên tiếng về cáo buộc nhằm vào bản thân và những người thân cận.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan. (Ảnh: Reuters) |
Thủ tướng Pakistan
Thủ tướng Pakistan Imran Khan không bị cáo buộc về bất kỳ hành vi sai trái nào. Tuy nhiên các thành viên trong giới nội bộ của ông, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Shaukat Fayaz Ahmed Tarin, bị cáo buộc che giấu tài sản trị giá hàng triệu USD thông qua các công ty bí mật hoặc quỹ tín dụng thác. Trước vụ việc này, hôm 3/10, ông Khan đã hứa sẽ "điều tra" những người bị cho là có vi phạm danh sách.
“Chúng tôi hoan nghênh Hồ sơ Pandora phơi bày sự giàu có bất chính của giới tinh hoa, tích lũy được nhờ trốn thuế, tham nhũng và rửa tiền tại các 'thiên đường tài chính' ", ông Khan viết trong một bài đăng trên Twitter.
Thủ tướng Pakistan thề sẽ thu hồi "những khoản lợi bất chính" và cho biết chính phủ của ông sẽ xem xét tất cả các công dân được đề cập trong các tài liệu và có biện pháp xử lý tương ứng.
"Chính phủ của tôi sẽ điều tra tất cả các công dân Pakistan được đề cập trong Hồ sơ Pandora, nếu có bất kỳ hành vi sai trái nào được xác định, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đặt sự bất công này ngang tầm với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu".
Pakistan từ lâu đã bị xếp hạng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới.
Thủ tướng Séc
Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đang phải đối mặt với nghi vấn về việc ông sử dụng một công ty đầu tư nước ngoài để mua lại một lâu đài ở miền Nam nước Pháp.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) trong Hồ sơ Pandora, ông Babis đã chuyển 22 triệu USD thông qua các công ty này để mua lâu đài ở Riviera vào năm 2009. Báo cáo không nói rõ liệu các giao dịch có vi phạm pháp luật hay không, nhưng lưu ý rằng ông Babis đã giữ bí mật về quyền sở hữu với lâu đài này.
Hôm 3/10, ông Babis phủ nhận mọi hành vi sai trái được nêu trong các tài liệu.
“Số tiền được chuyển đi từ ngân hàng Séc đã bị đánh thuế, đó là tiền của tôi”, ông Babis cho biết, một cuộc kiểm toán trước đây đã chứng minh rằng ông có đủ thu nhập để chi trả số tiền này, và giao dịch đã bị đánh thuế đầy đủ.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Cộng hòa Síp
Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades đang được yêu cầu giải thích lý do công ty luật do ông thành lập bị cáo buộc che giấu tài sản của một tỷ phú Nga. Công ty này đã phủ nhận tất cả vi phạm. Về phía Tổng thống, ông phủ nhận có liên quan đến vụ việc và cho biết mình không còn xử lý các vấn đề của công ty sau khi trở thành lãnh đạo của phe đối lập vào năm 1997.
Đức vua của Jordan
Hồ sơ Pandora viết rằng Vua Abdullah II của Jordan đã dựng nên một mạng lưới công ty nước ngoài và thiên đường tài chính để tích lũy đế chế bất động sản trị giá 100 triệu USD tại Malibu, California, Washington và London. Đại sứ quán Jordan tại Washington từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo tờ BBC, các luật sư của vua Abdullah II cho biết toàn bộ tài sản được nhắc đến trong Hồ sơ Pandora đều mua bằng của cải riêng của nhà vua. Họ giải thích rằng việc mua tài sản thông qua các công ty nước ngoài là vì lý do riêng tư và an ninh.
Ông Gerard Ryle, giám đốc ICIJ, kỳ vọng Hồ sơ Pandora sẽ có tác động lớn hơn những tài liệu mật được công bố trước đây, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến tình trạng bất bình đẳng trong xã hội càng thêm nghiêm trọng, các chính phủ phải vay những khoản tiền lớn chưa từng có.
Tổng cộng, ICIJ đã tìm thấy mối liên hệ giữa gần 1.000 công ty ở các thiên đường tài chính với 336 chính trị gia cùng quan chức cấp cao, bao gồm các nhà lãnh đạo quốc gia, Bộ trưởng, đại sứ và nhiều người khác.
Tuy việc sở hữu tài sản ở nước ngoài hoặc thông qua các công ty để kinh doanh xuyên biên giới không phải là bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia, nhưng những tiết lộ này vẫn gây bối rối cho các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là những người từng công khai vận động chống tham nhũng hoặc ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng.
TRẦN TRANG
Lãnh đạo thế giới phản ứng thế nào về "Hồ sơ Pandora"? |
Rò rỉ hồ sơ Pandora tiết lộ tài sản ở nước ngoài của loạt lãnh đạo thế giới |