Trường thất thu, phải gồng mình lên để chi trả các khoản phí… là khó khăn được nhiều trường ngoài công lập trong giai đoạn học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh COVID-19, phản ánh. Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng việc thu học phí chỉ là hoán đổi, tổng nguồn thu vẫn không thay đổi.
TS Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) . Ảnh: Tuấn Anh
- Thưa TS Nguyễn Văn Hoà, nhiều trường học đang kêu việc học sinh nghỉ học kéo dài ảnh hưởng lớn đến nguồn thu khi không thu được học phí mà vẫn phải chi trả nhiều khoản để duy trì hoạt động. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
Việc phòng chống dịch COVID-19 là vấn đề của toàn quốc, toàn xã hội và toàn thế giới nên các trường cần chia sẻ, thầy cô giáo cũng phải chung tay, không ai chỉ nghĩ theo cách riêng của mình được.
Hiện nay, học sinh đang nghỉ trong tháng 2, thậm chí cả tháng 3 nhưng theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chúng ta sẽ lùi thời gian kết thúc năm học, có thể vào tháng 6 hoặc tháng 7. Lâu nay, 2 tháng này thường là tháng nghỉ hè, nhà trường vẫn không thu học phí nên thực tế tổng số tháng biên chế cho năm học vẫn là 10 tháng. Như vậy, tổng số tháng thu học phí không hề thay đổi.
Thực tế, trong những ngày học sinh nghỉ học, giáo viên vẫn đến trường để soạn giáo án, tổ chức bài ôn tập và hướng dẫn các con về kiến thức qua phương pháp dạy online. Nhà trường sẽ chỉ hụt đi một khoản phí nhỏ để chi trả tiền dạy online cho giáo viên, tiền lao công vệ sinh trường học nhưng trong tình huống này nhà trường phải chấp nhận chia sẻ với xã hội.
Khi hoạt động giáo dục, mục tiêu của các trường học phải là giữ trọn niềm tin với học sinh, phụ huynh, giáo viên chứ không thể chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi nhuận, kinh tế.
- Việc chi trả lương của giáo viên trong thời gian học sinh nghỉ học sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?
Tôi xin nhấn mạnh lại là chúng ta lùi thời gian học lại chứ không phải mất đi. Vì thế, bài toán kinh tế và chương trình sẽ không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Ở trường tôi, tiền lương của những giáo viên, cán bộ làm việc theo tháng vẫn được trả đủ cả 12 tháng/năm.
Những giáo viên dạy theo tiết thì lên lớp sẽ tính lương. Vì thế, tháng 2 không họ sẽ không có lương mà thay vào đó sẽ nhận lương vào tháng 6 khi tổ chức dạy thêm. Tôi ưu tiên sắp xếp những giáo viên dạy online là người dạy theo tiết để họ vẫn có nguồn thu.
Tôi nghĩ hầu hết các trường ngoài công lập đều hoạt động và trả lương theo mô hình như vậy thì tổng số lương “cứng” không thay đổi.
Nhà trường cơ bản không mất đi tiền học phí mà chỉ là tạm thời chưa có tiền mặt. Để trả lương cho giáo viên trước, cần lấy từ nguồn dự trữ, thậm chí, nhà trường sẵn sàng đi vay ngân hàng, vay của phụ huynh để trả lương.
- Nhiều trường học đang đẩy mạnh việc học online, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc này?
Trong đợt học sinh nghỉ phòng chống dịch COVID-19, trường chúng tôi đã triển khai việc dạy và học online. Hiện nay có hơn 90% học sinh của trường tham gia vào hoạt động này.
Vào mỗi cuối tuần chúng tôi tổ chức kiểm tra kiến thức của học sinh và các em đều đạt kết quả tốt. Nhưng tôi khẳng định việc học online chỉ là việc dạy học bổ trợ, giúp các con củng cố kiến thức ôn tập để không quên và chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Việc dạy học online hoàn toàn không thay thế được cho việc học chính khóa ở trên lớp theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Xin cảm ơn ông!
Lãnh đạo trường tư lên tiếng về việc nhiều trường kêu thất thu Trường thất thu, phải gồng mình lên để chi trả các khoản phí… là khó khăn được nhiều trường ngoài công lập trong giai đoạn ... |
HUYÊN NGUYỄN