UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch mới về việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh khẳng định, đơn vị đang bám sát, đẩy nhanh tiến độ công việc với tinh thần đặt yêu cầu chất lượng lên cao nhất.
- Đảm bảo tiến độ, chất lượng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Quy hoạch Thủ đô, chất lượng phải đặt lên hàng đầu
Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến phát triển nhanh, bền vững, văn hiến, văn minh, hiện đại. Ảnh: Quang Thái
- Thay thế cho Kế hoạch số 146/KH-UBND (ban hành ngày 25-5-2022) của UBND thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 158/KH-UBND (ban hành ngày 29-5-2023) về việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã bổ sung, cập nhật thêm một số yêu cầu mới. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội đã thực hiện công việc ra sao, thưa ông?
- Kế hoạch 158/KH-UBND cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ và lộ trình triển khai, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể đối với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo kết luận của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII cũng như bảo đảm thống nhất chỉ đạo của UBND thành phố về tiến độ, chất lượng lập quy hoạch.
Để bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội đã và đang chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch. Viện vừa hoàn tất việc tham mưu thành phố tổ chức hội nghị triển khai lập Quy hoạch Thủ đô với sự tham gia của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này.
Theo nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành đang tiếp tục rà soát, đánh giá công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực phụ trách giai đoạn 2011-2020; cung cấp số liệu phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Tương tự, UBND các quận, huyện, thị xã cũng có trách nhiệm phối hợp với Viện và đơn vị tư vấn trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các định hướng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
- Được biết, Viện đã ký hợp đồng tư vấn với liên danh các đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô. Ông có thể thông tin về liên danh này?
- Ngày 31-5 vừa qua, Viện đã ký hợp đồng với liên danh tư vấn gồm 7 đơn vị: Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia; Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp; Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải; Viện Chiến lược thông tin và truyền thông; Viện Quy hoạch thủy lợi và Viện Tài nguyên và Môi trường.
Quang cảnh hội nghị triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức tháng 6-2023.
Đây đều là những đơn vị đầu ngành, đã tham gia lập nhiều quy hoạch tỉnh, quy hoạch quốc gia. Theo đánh giá ban đầu, đây là đơn vị tư vấn mạnh, được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu thành phố đặt ra.
Trên thực tế, với lần đầu tiên Quy hoạch Thủ đô được lập theo phương pháp tích hợp, khối lượng công việc lớn, không một đơn vị tư vấn riêng lẻ nào có thể đảm đương công việc mà cần sự phối hợp của nhiều đơn vị khác nhau. Trong hồ sơ dự thầu, liên danh bố trí lực lượng lớn các chuyên gia, đáp ứng các mục tiêu được đặt ra. Các đơn vị tư vấn cũng cam kết sẵn sàng huy động, bổ sung thêm các chuyên gia trong tình huống cần đẩy nhanh tiến độ.
- Các bên đã triển khai công việc gì để bảo đảm bám sát các mốc đặt ra tại Quyết định số 158/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội?
- Với tinh thần vào cuộc sớm, trong suốt 1 năm qua, thành phố đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho các công việc hành chính cũng như chuyên môn. Được giao nhiệm vụ là cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô, cán bộ chuyên môn của Viện đã thu thập, nghiên cứu để sẵn sàng vào cuộc, đồng hành cùng đơn vị tư vấn.
Cũng ngay sau khi ký kết hợp đồng, các đơn vị tư vấn kết hợp cùng Viện thu thập các thông tin, số liệu hiện trạng từ các sở, ngành, quận, huyện cũng như tiếp xúc với hệ thống bản đồ nền từ Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm phục vụ cho việc vẽ bản đồ quy hoạch sau này.
Đáng lưu ý, trong tất cả các công việc này, đơn vị tư vấn không thực hiện một mình mà luôn có sự kết hợp, hỗ trợ đồng hành của cơ quan lập quy hoạch nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Viện quan niệm đây cũng là cơ hội để cán bộ nâng cao khả năng chuyên môn.
Quá trình thực hiện đang được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội và các đơn vị tư vấn bám sát từng hạng mục, từng ngày, từng tháng với tinh thần khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ nhưng không lơ là chất lượng. Yêu cầu chất lượng luôn được đặt lên trên hết. Với tiến độ công việc hiện nay, dự kiến hết tháng 7-2023, các đơn vị tư vấn sẽ hoàn thiện dự thảo lần 1 Quy hoạch Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo kế hoạch chi tiết dự kiến, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện dự thảo lần 1 của quy hoạch trước ngày 30-7; hoàn thiện quy hoạch và gửi lấy ý kiến Ban Thường vụ, Thường trực và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trước ngày 31-8; gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước ngày 30-9; trình hội đồng thẩm định và hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của hội đồng trước ngày 30-11; tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua, Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội trước ngày 5-12; báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 31-12-2023.