Larry King phỏng vấn hơn 50.000 khách mời, từ các tổng thống, sao Hollywood đến tội phạm, nhưng ông cũng là tay nghiện cờ bạc.

"Larry King, người 'chém gió' cùng tổng thống và những kẻ lạ kỳ, từ ngôi sao điện ảnh tới tội phạm bất lương. Tất cả chỉ cần một câu chuyện hay. Sau nửa thế kỷ trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình, Larry King qua đời hôm thứ bảy tại Los Angeles ở tuổi 87", NY Times viết về huyền thoại của làng truyền thông Mỹ, trong bản tin cáo phó hôm 23/1. Nguyên nhân cái chết không được tiết lộ. Tuần trước, Larry King phải nhập viện điều trị Covid-19. Trước đó, ông dần yếu sau cơn đột quỵ năm 2019.

3641 larry king 2073 1611480202
Larry King trên trường quay talkshow của đài CNN. Ảnh: NY Times.

Larry King sinh ra và lớn lên tại Brooklyn, New York, là con một trong gia đình nhập cư từ châu Âu đến Mỹ. Cha qua đời năm ông chín tuổi khiến cả gia đình phải sống nhờ tiền trợ cấp từ chính phủ. Sau trung học, Larry King không vào đại học mà đi làm dọn dẹp tại một đài phát thanh để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Năm 1957, ông bất ngờ có cơ hội thay thế một MC nghỉ việc. Từ đó, King bắt đầu sự nghiệp dẫn chương trình với mức lương khoảng 50 USD một tuần.

Sự nghiệp của Larry King thăng hoa khi ông bắt đầu dẫn chương trình radio ban đêm phủ sóng toàn quốc của Mutual Broadcasting System năm 1978. Ông thường mở đầu chương trình bằng phần phỏng vấn khoảng 90 phút với khách mời. Sau đó, ông nhận các câu hỏi từ thính giả gọi điện tới và trả lời theo quan điểm riêng với phong cách dí dỏm, giàu thông tin. Larry King thu hút nhiều người nghe trung thành, trở thành cái tên quen thuộc với người Mỹ.

Thành công trên lĩnh vực phát thanh giúp Larry King được CNN mời làm show riêng Larry King Live. Chương trình bắt đầu từ năm 1985 tới 2010, trở thành biểu tượng của truyền hình Mỹ suốt thời gian dài.

Ông luôn tìm được khách mời thú vị. Các chính trị gia hoặc sao Hollwood thường chọn ông là người đầu tiên hoặc duy nhất phỏng vấn về dự án của họ.Chương trình của Larry King có sự xuất hiện của tất cả tổng thống Mỹ tính từ thời Richard M. Nixon đến Donald Trump. Ông cũng có cơ hội trò chuyện với nhiều nhân vật quốc tế tầm cỡ như tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ lĩnh tinh thần Phật giáo Tây Tạng Dalai Lama...

Larry King Live có nhiều khoảnh khắc được xem như biểu tượng của lịch sử truyền hình Mỹ. Năm 1993, King tổ chức buổi tranh luận giữa Al Gore và tỷ phú Ross Perot về chiến dịch tranh cử tổng thống. Chương trình phá vỡ kỷ lục lượt xem của CNN. Vận động viên O.J. Simpson từng lên sóng trả lời phỏng vấn về vụ án giết người của anh. Tài tử The Godfather Marlon Brando chọn riêng Larry King để quảng bá tự truyện.

Bí quyết của Larry King là phong cách phỏng vấn thẳng thắn, không vòng vo. Khi gặp Nixon, ông hỏi suy nghĩ của cựu tổng thống mỗi khi đi qua khu phức hợp Watergate, nơi khởi nguồn của vụ bê bối chính trị khiến Nixon sau đó phải từ chức. Larry King từng cho biết hiếm khi chuẩn bị trước buổi phỏng vấn. Ông chỉ tập trung hỏi những câu đơn giản, thay vì hóc búa, giàu tính chuyên môn. "Nếu gặp một tác giả sách, tôi sẽ không đọc trước tác phẩm mà để họ tự trả lời về nội dung, mục đích của nó". Ông không tự nhận nhà báo, chỉ gọi các chương trình của mình là "thông tin giải trí".

King biết cách thể hiện sự đồng cảm với nhiều nhân vật. Điều này giúp chương trình của ông thu hút nhiều đối tượng đa dạng tham gia. Năm 2007, Paris Hilton nhận lời phỏng vấn với Larry King và David Letterman, hai người dẫn chương trình nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ, sau khi cô ra tù. Letterman bị chỉ trích nặng nề vì phần trò chuyện có phần khinh thường Hilton, sau đó, phải công khai xin lỗi cô. Còn King được khen vì những câu hỏi chuyên nghiệp, trung lập, giúp Hilton có cơ hội nêu các quan điểm của cô.

Ông cũng là biểu tượng của tinh thần làm việc chăm chỉ, nghiêm túc. Khi nhận lời CNN, King vẫn không bỏ việc tại đài phát thanh. Ông kết thúc chương trình Larry King Live lúc 22h tối hàng ngày và lập tức lên xe tới đài phát thanh để dẫn chương trình radio đêm khuya. Ông cộng tác với Mutual Broadcasting System đến năm 1994, vài năm trước khi đài này đóng cửa. Sau khi nghỉ CNN năm 2010, King tiếp tục làm việc cho đến cuối đời trên Ora TV, kênh truyền hình do ông đồng sáng lập năm 2012.

Bên cạnh sự nghiệp, Harry King cũng nổi tiếng với đời tư rắc rối không kém sao Hollywood. Cuộc sống của ông là chủ đề thường xuyên được các báo chí Mỹ khai thác. Larry King từng tám lần cưới với bảy phụ nữ. Trong đó, ông kết hôn và ly dị người mẫu Playboy - Alene Akins - hai lần. Tháng 8/2019, ở tuổi 85, người dẫn chương trình ly dị ca sĩ Shawn Southwick (kém ông 26 tuổi) sau hơn 22 năm là vợ chồng. Bên cạnh đó, ông từng hẹn hò nhiều đồng nghiệp, minh tinh Hollywood.

3641 larry king 2073 1611480202
Larry King trên trường quay talkshow của đài CNN. Ảnh: NY Times.

Ông hai lần tuyên bố phá sản và là một tay nghiện cờ bạc nổi tiếng. Larry King cũng nổi tiếng với sở thích sưu tập xe hơi và quần áo hàng hiệu. Dù kiếm được nhiều tiền, ông thường sống trong hoàn cảnh nợ nần vì thú tiêu xàihoang phí và cá độ đua ngựa. Năm 1971, King từng bị buộc tội trộm tiền của một đồng nghiệp. Bê bối từng khiên ông bị nhiều đài phát thanh, truyền hình tẩy chay trước khi tìm lại thành công.

Năm 2017, Larry King từng bị Terry Richard - vợ cũ ca sĩ Eddie Fisher - nói ông quấy rối tình dục cô khi hai người chụp ảnh chung. Richard nói với Daily Mail không đòi bồi thường mà muốn được xin lỗi. Luật sư của King phủ nhận thông tin, dọa sẽ kiện Richard tội vu khống. Tuy nhiên, hai phía không ra tòa hay đưa thêm bình luận nào sau vụ tranh cãi.

Là nhân vật nổi tiếng, ông góp mặt trong nhiều phim với tư cách khách mời. Ông tự đóng bản thân trong một số dự án điện ảnh, truyền hình như Ghostbusters, 30 Rock Sesame Street... King xuất hiện trong nhiều phim tài liệu nổi tiếng như 1989: The Year That Made Us (2019) và Dispatches from Quarantine (2020). Ông cũng tham gia lồng tiếng cho một số phim hoạt hình như Shark, Bee Movie...

Ted Turner - người sáng lập CNN - gọi King là người dẫn chương trình vĩ đại nhất thế giới và nói việc thuê ông về đài là thành tựu lớn nhất sự nghiệp của mình. Ông nhận nhiều giải thưởng danh giá như Emmy, PeabodyCable ACE. Năm 2010, khi King dẫn chương trình cuối cùng của CNN, tổng thống Barack Obama và Bill Clinton lên sóng truyền hình chào tạm biệt ông. "Cảm ơn vì đã cống hiến suốt những năm qua. Ông đã làm rất tuyệt", Clinton nói trên CNN.

Đạt Phan

Sao truyền hình đệ đơn ly dị người vợ thứ 7 ở tuổi 86 Sao truyền hình đệ đơn ly dị người vợ thứ 7 ở tuổi 86
MC Larry King ly dị lần tám MC Larry King ly dị lần tám

/ vnexpress.net