Truyền hình Trung Quốc gần đây liên tiếp phát các bộ phim tư liệu về chống tham nhũng, trong đó có vụ án mua phiếu bầu đình đám ở Liêu Ninh.
Trong tập phim này, nguyên Ủy viên trung ương, Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh Vương Mân sám hối: “Tôi xin chịu trách nhiệm chính trị, trách nhiệm lãnh đạo và trách nhiệm trực tiếp trước tệ nạn hối lộ trong bầu cử và môi trường chính trị ở Liêu Ninh, Tôi xin sám hối trước trung ương đảng và cán bộ quần chúng Liêu Ninh”. Ông ta nói thêm: “Tôi đã nghĩ kỹ, tôi không chỉ cực kỳ vô trách nhiệm, mà còn đem sinh mạng chính trị của mình làm trò đùa”.
Tranh nhau vận động phiếu bằng tiền
Vương Mân là Bí thư Liêu Ninh từ 2009 đến 2015. Vụ án dùng tiền vàng hối lộ kiếm phiếu bầu xảy ra trong thời kỳ ông ta nắm quyền lãnh đạo ở đây. Trong cả 3 cuộc bầu cử tỉnh ủy, bầu cử thường vụ HĐND và bầu cử đại biểu quốc hội đều xuất hiện vấn đề đề cử sai quy định, làm giả lý lịch và hối lộ kiếm phiếu bầu.
Vương Mân sám hối trên sóng truyền hình |
Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Tô Hồng Chương, Phó chủ tịch HĐND Vương Dương và Trịnh Ngọc Chước đều trúng cử thông qua hối lộ giành phiếu. Trong số 102 đại biểu quốc hội của Liêu Ninh có 45 người trúng cử nhờ mua phiếu bầu. Trong số 616 đại biểu HĐND tỉnh tham gia bỏ phiếu thì có 523 người nhận tiền và quà hối lộ, 116 người làm trung gian chuyển tiền và quà.
Năm 2014, khi đoàn thanh tra của trung ương lần đầu tiên đến Liêu Ninh, Vương Mân cảm thấy bất an. “Tôi lo lắng, tìm mọi cách nghe ngóng, theo dõi mọi động tĩnh của họ, tìm một số người nói chuyện, dò hỏi xem họ cử người đến Đại Liên, đi An Sơn có phải để điều tra Vương Dương không?”, Mân kể lại.
Khi đó, đoàn thanh tra trung ương phát hiện tồn tại vấn đề nghiêm trọng trong bầu cử, nhưng không có chứng cứ dẫn đến Vương Mân. Mãi đến năm 2016, khi đoàn thanh tra tiến hành “hồi mã thương”, Mân mới bị coi là đối tượng trọng điểm cần chú ý. Trong khi nghiên cứu rà soát tài liệu, đoàn thanh tra phát hiện thấy tình tiết quan trọng cho thấy Vương Mân trực tiếp liên quan đến việc bầu cử hỗn loạn.
Trưởng đoàn thanh tra số 3 khi đó là Lưu Duy Giai nói: Tô Hồng Chương là ứng cử viên chức Ủy viên thường vụ tỉnh ủy do Vương Mân tự đề cử, không đưa ra tập thể ban thường vụ nghiên cứu xem xét, điều này được chứng minh khi xem xét sổ ghi biên bản các cuộc họp thường vụ. Vương Dương cũng là người được Mân đề cử ra tranh chức Phó chủ tịch HĐND rồi sai người đem văn bản đến gặp từng ủy viên thường vụ tỉnh ủy xin chữ ký, vi phạm kỷ luật chính trị và trình tự công tác.
Sau cuộc thanh tra thứ nhất, với thái độ tin tưởng vào tỉnh ủy Liêu Ninh, ý kiến nhận xét đầu tiên của đoàn thanh tra là yêu cầu tỉnh ủy tiến hành điều tra và uốn nắn vấn đề bầu cử. Mân cho rằng mình đã thoát nên chỉ thực hiện qua loa những yêu cầu của trung ương.
Thực tế Liêu Ninh chẳng hề triển khai điều tra và cũng không truy xét trách nhiệm các quan chức đưa hối lộ và các đại biểu HĐND nhận hối lộ. Khi đó các vụ án phá hoại bầu cử ở Hoành Dương và hối lộ giành phiếu ở Nam Xung đều đã bị xử lý nghiêm khắc, Vương Mân cho rằng trung ương đã túm được 2 vụ trên thì sẽ không xử lý thật vấn đề của Liêu Ninh.
Chi 4 triệu NDT mua vàng để hối lộ
Việc dùng tiền hối lộ giành phiếu ở Liêu Ninh trở nên trắng trợn, biếu tiền tặng quà cơ hồ trong trạng thái bán công khai.
Nguyên Ủy viên thường vụ, Bí thư Chính pháp tỉnh ủy Tô Hồng Chương nói trong phim rằng ông ta trực tiếp hẹn gặp những ủy viên tỉnh ủy quen biết để “nói chuyện” (nhờ vả giúp đỡ), “trước khi ra về tôi nói có chút quà mọn tặng anh. Quà tôi để trong túi, có người đùn đẩy lấy lệ, có người chẳng hề khách sáo, nhận liền”.
Những thỏi vàng dùng để chạy phiếu |
Gọi là “chút quà mọn” nhưng thực ra không hề nhỏ. Quà dùng để biếu tặng để giành phiếu trong vụ án hối lộ bầu cử Liêu Ninh có vàng miếng, có thẻ mua hàng trị giá mấy chục ngàn NDT, điện thoại iPhone... Tổng số tiền lên tới trên 50 triệu NDT (165 tỷ VND). Cá nhân Tô Hồng Chương đã chi 4 triệu NDT (13,2 tỷ VND) mua vàng miếng, thẻ mua hàng dùng để hối lộ kiếm phiếu. Tất cả số tiền này đều có được qua vòi vĩnh các ông chủ tư nhân.
Không chỉ như thế, Tô Hồng Chương còn nhiều lần triệu tập thân tín họp bí mật tại nhà ăn nội bộ Công ty Chất đốt Thẩm Dương, bàn bạc sắp đặt và phân công thực hiện việc hối lộ bầu cử. “Tôi muốn công ty của anh giúp cho ít tiền” – Cương cầm chiếc bao màu đen đến nói với Trương Quốc Huy, chủ công ty chất đốt. Huy hỏi muốn bao nhiêu, Chương nói “anh cứ cho vào chiếc túi này là được”.
“Miếng vàng đó nặng quá”
Trương Quốc Huy nhét vào chiếc túi đen ấy 300.000USD. Chiếc túi ấy nhanh chóng được đưa tới phòng làm việc của Bí thư Vương Mân. Nhân việc báo cáo tình hình công tác, Chương đến gặp Mân và bỏ lại chiếc túi. “Trước khi ra về, tôi nói với Bí thư Vương có chút quà để ở đây, cả tôi và ông ấy đều biết rõ”.
Vương Mân nói: “Mở túi ra, thấy toàn là USD, tôi vội đóng lại, cất đi. Sáng hôm sau tôi bảo thư ký thông báo với Tô Hồng Chương làm thế là có vấn đề, đến nhận về đi”. Tuy Vương Mân không nhận số tiền đó, nhưng Tô Hồng Chương trực tiếp đưa hối lộ khoản tiền lớn mà Vương Mân đã không phê bình lại còn tiếp tục giới thiệu đề cử Chương.
Trong quá trình diễn ra mấy cuộc bầu cử, các ngành tổ chức, kiểm tra kỷ luật tỉnh ủy và cả người thư ký đều báo cáo Vương Mân có hiện tượng không bình thường trong việc bầu cử, nhưng Vương Mân bỏ mặc không quản. “Thư ký của tôi nói, thư ký của Bí thư thành ủy Phụ Tân gọi điện nhờ giúp bỏ phiếu cho Vương Dương. Cơ quan tổ chức báo cáo với tôi có 4 người làm giả hồ sơ lý lịch. Tôi thấy không nên truy cứu, làm to chuyện này ra thì có lợi gì đâu”.
Không những thế, Vương Mân còn tự mình đứng ra giúp một số chủ công ty, giúp cho họ được đề cử… Thái độ của Bí thư tỉnh ủy như thế đã khiến nạn hối lộ bầu cử ở Liêu Ninh lây lan như thứ bệnh dịch. Trịnh Ngọc Chước nói: “Nghe tin Vương Dương chạy khắp nơi hoạt động mua phiếu, tôi đứng ngồi không yên, sợ ảnh hưởng đến mình nên cũng ‘gặp gỡ chào hỏi’, có người sử dụng cả tiền công để giúp tôi kiếm phiếu”.
Trương Văn Thành, đại biểu quốc hội, người cuối cùng cũng tham gia vào cuộc đua tranh phiếu này khai: “Hồi đó ai nấy đều nô nức mang tiền đi mua phiếu; nếu tôi không sớm tham gia thì đã rớt rồi. Tôi đang là đại biểu đương nhiệm, nếu bị rớt thì thật mất mặt, thực lòng tôi cũng tham gia (mua phiếu) mà trong lòng không hề muốn…”.
Kỳ Minh, nguyên Phó thị trưởng Thẩm Dương, một người trung gian hối lộ bầu cử sau này cảm thán: “Cũng thấy sợ vì miếng vàng đó nặng quá”. Trong bản sám hối của mình, Mân viết: “Chính do tôi vô trách nhiệm khiến quyền uy của đảng bị xem thường, chế độ bầu cử nghiêm túc bị làm nhục, danh xưng ‘đại biểu nhân dân’ bị ô uế, gây thành ảnh hưởng chính trị cực kỳ xấu xa trong đảng và toàn xã hội”.
http://danviet.vn/the-gioi/lat-tay-manh-chay-phieu-bang-vang-cua-quan-tham-tq-806057.html