Lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới có thể chỉ ra khả năng phục hồi tiêu dùng tại nền kinh tế đầu tiên kiểm soát được đại dịch.
Alibaba Group hôm nay kích hoạt lễ hội mua sắm thường niên lớn nhất thế giới, nhân dịp Lễ Độc thân ngày 11/11. Mỗi năm, sự kiện này thu hút hàng trăm triệu người tham gia, với doanh thu bán hàng trực tuyến lên tới hàng chục tỷ USD. Nhưng năm nay, nó còn đóng vai trò là thước đo tốt nhất cho đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch.
Alibaba cho biết chỉ sau 30 phút đầu ngày, doanh thu của Lễ Độc thân (đã tính cả đợt bổ sung 3 ngày hồi đầu tháng) đạt 372,3 tỷ nhân dân tệ (56,3 tỷ USD). Con số này đã xô đổ kỷ lục 38 tỷ USD năm ngoái, do Alibaba năm nay tổ chức thêm một đợt sớm để phục vụ nhu cầu mua sắm online của người Trung Quốc vốn tăng cao do Covid-19.
Màn hình trên sân khấu thể hiện doanh thu kỷ lục trong dịp Lễ Độc thân năm nay. Ảnh: Bloomberg |
Ngày mua sắm Lễ Độc thân Jack Ma và CEO Daniel Zhang khởi xướng năm 2009, sau đó dần vượt các sự kiện mua sắm khác trên toàn cầu như Black Friday và Cyber Monday, cả về quy mô lần sự sôi động. Năm nay ghi nhận số thương hiệu tham gia nhiều kỷ lục, từ Apple đến Nike. Các doanh nghiệp đặt cược rằng tầng lớp trung lưu 400 triệu người tại Trung Quốc đã sẵn sàng mua sắm mọi thứ, từ hàng điện tử đến các chuyến du lịch.
Khởi đầu lạc quan của Lễ Độc thân năm nay có thể là tín hiệu tốt cho kinh tế Trung Quốc, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy tiêu dùng, vốn ì ạch trong quá trình phục hồi, đã có cải thiện.
"Lễ Độc thân thường là chỉ báo chính xác cho những gì sẽ xảy ra năm tới với các hàng bãn lẻ, thương hiệu và người tiêu dùng", Jonathan Cheng - Giám đốc bán lẻ Trung Quốc tại at Bain & Co nhận định, "Năm nay, vì có Covid-19, việc này càng quan trọng hơn. Và Trung Quốc - nước đầu tiên thoát khỏi Covid-19 - cũng sẽ là chỉ báo cho các nước khác".
Lễ Độc thân còn là sân khấu phô diễn sức mạnh các dịch vụ khác của Alibaba, như điện toán đám mây và thanh toán di động. Việc Lễ Độc thân lập kỷ lục cũng sẽ là một thành tích cho Ant Group - công ty thanh toán của Jack Ma vừa bị giới chức hoãn IPO.
Năm nay, do đại dịch, Alibaba không tổ chức các sự kiện trực tiếp hoành tráng như trước. Thay vào đó, họ tập trung quảng bá online với các buổi livestream của người nổi tiếng. Trong dịp này, người dân có thể mua sản phẩm được giảm giá mạnh tay, từ mỹ phẩm, quần áo đến hàng tạp hóa trên các nền tảng Taobao, Tmall của Alibaba. Chúng sau đó sẽ được dịch vụ vận chuyển Cainiao của hãng giao đến tận tay khách hàng.
Người tiêu dùng còn có thể đặt vé máy bay nội địa thông qua website du lịch Figgy của Alibaba. Kaola - nền tảng thương mại điện tử Alibaba mua từ NetEase năm ngoái cũng sẽ tham gia lần đầu năm nay với sản phẩm từ 89 quốc gia.
Các thương hiệu nước ngoài từ lâu đã phải dựa vào Alibaba để tiếp cận tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng năm nay, khi hầu hết các nền kinh tế đang vật lộn với tái bùng phát đại dịch. Chỉ trong 111 phút giảm giá đầu tiên ngày 1/11, 100 thương hiệu đã ghi nhận số giao dịch trị giá 110 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD). Gian hàng của Estee Lauder trên Tmall là cái tên đầu tiên cán mốc doanh thu 1 tỷ nhân dân tệ. Chuỗi khách sạn Marriott International và Accor cũng lần đầu tiên đạt mốc này.
Kỳ vọng của nhà đầu tư với Alibaba trong dịp này rất cao. Doanh thu quý III của hãng tăng chậm kỷ lục, do khách hàng hoãn mua trên Taobao và Tmall để chờ giảm giá sâu. "Số liệu về Lễ Độc thân có khi còn quan trọng hơn kết quả quý III", Steven Zhu - nhà phân tích tại Pacific Epoch cho biết.
Cũng như các năm trước, Alibaba và các website đối thủ sẽ tung khuyến mãi lớn để thu hút người mua. Trong dịp Lễ Độc thân, người bán có thể sẽ phải chi 30 tỷ nhân dân tệ để giảm giá, trợ giá cho các mặt hàng, chỉ riêng trên Tmall và Taobao, theo ước tính của CLSA.
Những chương trình giảm giá này có thể là chìa khóa thu hút khách hàng. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 3,3% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này có thể lên 5% vào tháng 10, khi du lịch và tiêu dùng tăng tốc trong kỳ nghỉ Quốc khánh.
Dù vậy, tính chung từ đầu năm, doanh số bán lẻ vẫn đi xuống. Trong 9 tháng đầu, con số này giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, người ta vẫn cần theo dõi liệu các kỳ nghỉ lễ và sự kiện hội mua sắm có tạo ra đà phục hồi bền vững hay không. Tiêu dùng chỉ đóng góp 0,5% tăng trưởng GDP quý III, ANZ cho biết, và có thể đến năm 2021 mới hồi phục hoàn toàn.
"Mức chi tiêu cho Lễ Độc thân sẽ cao hơn năm ngoái. Nhưng hãy nhớ doanh số bán lẻ từng tăng 8% trước khi đại dịch xuất hiện", Shaun Roache - kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings cho biết, "Nếu Lễ Độc thân tốt hơn kỳ vọng, chúng ta nên theo dõi tiếp doanh số tháng 12 để xem đây có phải đà tăng thực sự hay không, hay chỉ đơn giản là người mua tích trữ đồ và vẫn thận trọng".
Hà Thu (theo Bloomberg)