Ở lần tái xuất phim trường, diễn viên Lê Khanh không dám xem lại cảnh chị đóng vì thấy mình "càng trang điểm lại càng xấu".
- Trở lại màn ảnh rộng sau 20 năm, chị áp lực ra sao?
- Trong phim mới - Gái già lắm chiêu 3, tôi vào vai một cựu minh tinh, có cuộc sống thượng lưu, quyền quý. Ngoài nỗi lo làm việc với êkíp toàn người trẻ, tôi còn chịu áp lực về ngoại hình. Tôi vốn chỉ đóng những vai mộc mạc, chân phương như thôn nữ, thanh niên xung phong, tu sĩ, phụ nữ Hà Nội... Tôi đã quen dạng vai đào thương, dáng vẻ thướt tha, số phận dễ gợi trắc ẩn. Giờ, chuyển sang đóng một nhân vật trong giới siêu giàu, phong cách quyền uy, trên người đeo đầy vàng ngọc. Tôi lo không biết sắc vóc mình có đủ sức thuyết phục khán giả.
Nghệ sĩ Lê Khanh dự sự kiện ra mắt phim ở TP HCM chiều 16/10. Ảnh: ĐTN. |
Hai đạo diễn của phim động viên tôi an tâm vì đã có nhà thiết kế lo trang phục, chuyên gia trang điểm, làm tóc riêng. Sau khi quay xong phim xong, tôi nhát đến mức không dám xem bản dựng nháp. Một lần ghé mắt xem thử, tôi chạy thẳng vì cứ nghĩ mình vẫn như ngày xưa (cười).
- Ở tuổi 56, chị ý niệm thế nào về nhan sắc?
- Khi xem lại những bức ảnh, khung hình chụp, quay gần đây, dù muốn dù không, tôi phải thừa nhận, tuổi tác là thứ khó thể giấu giếm. Đó là một trong những nguyên nhân tôi ít nhận lời đóng phim trở lại.
Tôi cũng không nghĩ ngày xưa mình đẹp. Chẳng qua, đó là nét mộc mạc của tuổi thanh xuân, chụp ảnh đen trắng thì trông xinh yêu vậy thôi. Thời tôi còn trẻ, mỗi diễn viên có sức hút riêng, đóng gì nhìn cũng quyến rũ. Ngày ấy, làm gì có công nghệ trang điểm như bây giờ, phấn màu cũng toàn hàng quá "đát". Bây giờ, thú thực, có những hôm, ngồi trước bàn make-up, càng trang điểm, tôi càng thấy xấu. Tất nhiên, tôi không buồn. Từ lâu, tôi đã quan niệm, vẻ đẹp bên ngoài rồi cũng sẽ nhanh chóng đi qua, thứ ở lại với mình đến cuối đời là sức hút từ nội tâm. Tôi bình thản hơn để đối diện với một Lê Khanh trong gương của ngày hôm nay.
Sắc vóc tuổi trung niên của NSND Lê Khanh. Ảnh: LK. |
- Chị thấy sao khi làm việc với một êkíp đa số ở tuổi con cháu mình?
- Ngày đầu tập thoại, tôi đã sốc vì khả năng nhập vai và nắm bắt tâm lý nhân vật, đặc biệt là Ninh Dương Lan Ngọc. Có một cái duyên là, năm Lan Ngọc đóng phim Cánh đồng bất tận (năm 2010, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình), tôi trao giải Nữ diễn viên chính phim truyện nhựa xuất sắc cho cô ấy ở Cánh diều vàng. Gặp lại nhau trên trường quay, tôi càng nể vì giờ cô ấy rất thông minh, giàu năng lượng. Nhiều cảnh chúng tôi quay rất vất vả, đóng liên tục mười mấy giờ mỗi ngày, từ sáng sớm đến sáng hôm sau, trong vài ngày liền. Chỗ nào có Lan Ngọc, nơi ấy như được tiếp thêm sức, không ai thấy mệt.
Tôi còn nể khả năng phân tích nhân vật của hai đạo diễn. Họ rất khắt khe, không diễn viên nào được phép sai một chữ trong thoại. Mỗi thần thái, biểu cảm của nhân vật khi lên hình phải đúng như họ đã hình dung. Diễn viên thể hiện chệch đường ray một tí thôi, họ bắt diễn lại.
- Gia đình ủng hộ chị quay lại với phim ảnh ra sao?
- Chồng tôi - đạo diễn Phạm Việt Thanh - cổ vũ vợ hết mực. Hôm hai đạo diễn đến nhà tôi để thuyết phục tôi trở lại, anh cũng ngồi cạnh. Đạo diễn hỏi: "Ý kiến chú thế nào", chồng tôi đáp: "Cháu cứ nhìn vẻ mặt cô Khanh, trông cô tươi thế kia là có tín hiệu mừng rồi đấy. Miễn cô ấy có hứng thú, thế nào chú cũng đồng ý". Anh biết tính tôi, đã đi diễn thì quên hết mọi sự trên đời. Một tháng tôi vào Huế quay, anh thay tôi chăm ông bà ngoại, các con và tự chăm bản thân. Anh dặn: "Em đừng chủ quan, nhớ giữ sức khỏe, không phải như hồi trẻ nữa đâu". Anh còn hồi hộp hơn cả tôi, ngóng từng ngày xem vợ trở lại màn ảnh ra sao.
Vợ chồng Lê Khanh trên thảm đỏ Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam 2010. Ảnh: VT. |
Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình ba, bốn đời làm nghệ thuật. Chúng tôi đặt ra quy tắc bất thành văn: luôn tôn trọng, đề cao tuyệt đối công việc diễn xuất của nhau. Những thành viên mới vào như dâu, rể... đều phải hiểu và tuân theo vì đó là sự nghiệp, thành tựu của cả dòng họ.
- Thời gian không đóng phim, chị dồn sức cho sân khấu thế nào?
- Tôi dành tâm huyết cho những dự án kịch. Tôi không nghỉ diễn ngày nào, mở rộng về thể loại. Ngoài hoạt động trong Nhà hát Tuổi trẻ, tôi còn tham gia các tác phẩm bên Nhà hát kịch Giao hưởng Việt Nam, hay các quỹ giao lưu văn hóa quốc tế, hợp tác với các đạo diễn Mỹ, Nhật, Thụy Điển... Sáu năm nay, tôi cộng tác với nhiều nghệ sĩ Nhật Bản qua các dự án nghệ thuật. Kịch chiếm hết thời gian cho đam mê diễn xuất, đến mức tôi quên cả điện ảnh. Nhiều lúc nhớ màn ảnh, tôi nhận lời vài đạo diễn, song cũng không thu xếp được.
- Chị nghĩ sẽ đi diễn đến bao giờ?
- Với diễn viên, vai hay nhất của họ còn ở phía trước. Chưa bao giờ tôi thấy mãn nguyện với thành tựu của mình. Mẹ tôi - nghệ sĩ Lê Mai - năm nay đã 81 tuổi, hàng ngày vẫn ngồi chờ những lời mời dự án điện ảnh. Tuần trước, cả êkíp tuổi con cháu đến đón bà đi quay chỉ trong một ngày, rồi lại đưa về. Mấy chục năm qua, mẹ tôi vẫn xông xáo đi diễn trong Nam, ngoài Bắc, ra tận nước ngoài.