Mỹ và Nga không có lợi ích cốt lõi nào về an ninh khi xung đột với nhau, đặc biệt là tại Ukraine
Với hơn 10.000 người chết, cuộc xung đột ở Ukraine là một thảm họa nhân đạo nhưng lại gây ít hậu quả về an ninh đối với Mỹ và châu Âu. Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc chiến tại Donbass gây bất ổn cho Ukraine nhưng không làm thay đổi cán cân quyền lực của châu Âu. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và triển khai quân sự của Mỹ và NATO khá nhẹ tay. Sự trợ giúp dành cho Ukraine chưa bao gồm viện trợ quân sự gây sát thương.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) hôm 27-12-2017 trò chuyện với những tù nhân chiến tranh vừa được thả trong một cuộc trao đổi với phe ly khai Ảnh: AP
Nhiều khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin không có ý định phát động thế chiến thứ 3. Thay vào đó, ông tận dụng cơ hội sáp nhập Crimea, đồng thời bảo vệ căn cứ quân sự lớn ở biển Đen, tạo ra một cuộc xung đột đóng băng ở Donbass và ngăn Ukraine gia nhập NATO. Những hành động của Nga tại đây cũng giúp ông Putin có cơ hội gây thêm rắc rối cho Mỹ.
Chính sách của Moscow khiến Mỹ và châu Âu khó chịu nhưng cũng ngăn các đồng minh phương Tây làm điều không phải lợi ích của họ: đưa một lỗ đen an ninh vào NATO. Ngay cả trước thời điểm năm 2014, Ukraine là một khối lộn xộn về chính trị và kinh tế. Khi nằm bên ngoài NATO, số phận của Ukraine không quan trọng với an ninh phương Tây. Nhưng nếu NATO chào đón Kiev, điều này sẽ mang theo mọi tranh chấp, xung đột tiềm ẩn với Nga.
Việc Mỹ giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ không thể khiến cái giá phải trả của cuộc xung đột đủ nghiêm trọng để buộc Nga xuống nước. Những ưu thế của ông Putin gồm lợi ích lớn hơn, sự gần gũi về mặt địa lý và sự ủng hộ rộng rãi của người dân trong nước. Đối với Ukraine, thêm vũ khí có ý nghĩa là thêm giao tranh. Kế hoạch trang bị vũ khí cho Kiev, đặc biệt nếu có thêm tên lửa chống tăng, có thể làm cho cuộc xung đột Donbass từ trạng thái nguội sang ấm hoặc nóng. Kiev không chỉ được trang bị vũ khí tốt hơn mà có thể tin rằng đã nhận được sự bảo đảm ngầm từ Washington.
Cùng lúc đó, việc chuyển giao vũ khí sát thương sẽ chia rẽ Mỹ với các quốc gia châu Âu. Nhiều nước trong số này phản đối gia tăng đối đầu với Nga, đặc biệt là về vấn đề Ukraine. Nếu Moscow đáp trả bằng sự leo thang căng thẳng, Washington sẽ không thể tìm thấy đồng minh châu Âu nào ủng hộ những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Việc cung cấp vũ khí sát thương gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy người Ukraine tìm kiếm thêm vũ khí hạng nặng và leo thang cuộc chiến, trong lúc không khích lệ họ thương thảo để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Giới chức Mỹ gọi những vũ khí trên chỉ mang tính phòng thủ nhưng không dễ phân định rạch ròi như thế. Ông Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho rằng khả năng chống phương tiện quân sự bọc thép là điều cần thiết để Ukraine tự bảo vệ mình. Điều này đúng nhưng khả năng vô hiệu hóa xe tăng cũng có ích trong tấn công như khi phòng thủ.
Cục diện chiến trường ở Ukraine vài năm gần đây gần như giậm chân tại chỗ. Vũ khí mới của Mỹ không cần thiết để giữ nguyên hiện trạng mà chúng sẽ chỉ giúp Ukraine cố tìm kiếm giải pháp quân sự. Trong khi đó, Moscow không bận tâm đến tiềm năng quân sự của Kiev. Nga chỉ lo ngại việc Mỹ và châu Âu có ý định đưa Ukraine vào NATO.
Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Ukraine càng gần gũi, Nga càng có động lực để duy trì cuộc xung đột. Hơn nữa, Nga có thể trả đũa những lợi ích của Mỹ ở nơi khác, như cung cấp viện trợ, bán vũ khí, hậu thuẫn chính trị và hỗ trợ kinh tế theo những cách thức cản trở hoạt động của Washington. Chẳng hạn, Moscow có thể phản đối tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng hoặc thậm chí cung cấp cho Triều Tiên tên lửa phòng không S-400.
Một vấn đề đáng chú ý không kém là sự mong manh của nhà nước Ukraine hiện nay, chủ yếu do những vết thương do chính Kiev gây ra hơn là áp lực từ Nga. Chính phủ Ukraine đang gặp khó bởi sự chia rẽ giữa Đông và Tây, sự xuất hiện của các lực lượng tân phát xít, bè phái chính trị, kinh tế suy yếu và tham nhũng tràn lan. Nói một cách nhẹ nhàng, Kiev không phải là một đối tác quân sự đáng tin cậy trong việc chống lại người hàng xóm có vũ khí hạt nhân.
Một hướng tiếp cận tốt hơn là thương thảo với Nga về chuyện xuống thang bằng cách rút lời mời Ukraine (và Georgia) gia nhập NATO. Điều này sẽ khiến Moscow không có nhiều lý do để duy trì cuộc xung đột đóng băng tại Donbass, cũng như giúp ngăn nguy cơ chạy đua vũ trang của 2 bên ở những nơi khác, như Ba Lan và các quốc gia Baltic.
Mỹ và Nga không có lợi ích cốt lõi nào về an ninh khi xung đột với nhau, đặc biệt là tại Ukraine. Thay vì biến một vấn đề an ninh không quan trọng thành cuộc đụng độ quân sự tiềm năng với Moscow, Washington nên tìm cách rút lại sự hỗ trợ quân sự dành cho Ukraine để đổi lấy việc Nga chấp nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Kiev. Moscow có thể không đồng ý nhưng chính quyền ông Donald Trump sẽ không thể biết được chuyện gì xảy ra nếu chưa đưa ra một đề nghị như thế. Ngay lúc này, Washington dường như chưa quan tâm tới việc thử làm điều đó.
Ukraine: Bắt cóc con tin đòi tiền chuộc bằng… bitcoin Những kẻ bắt cóc ở Ukraine vừa trao trả một con tin sau khi nhận được hơn 1 triệu USD tiền chuộc dưới dạng tiền ... |
Chính phủ và phe đối lập Ukraine trao đổi tù nhân Các đại diện của chính phủ Ukraine và phe đối lập nước này hôm 25/12 nhất trí tiến hành đợt trao đổi tù nhân quy ... |