Năm 2016, trong chuyến đi Mỹ, tôi được xếp vào một nhóm gọi là “Đoàn đại biểu châu Á-Thái Bình Dương”, gồm các nhà báo đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Fiji, New Zealand, Singapore và Papua New Guinea. 

Năm 2016, trong chuyến đi Mỹ, tôi được xếp vào một nhóm gọi là “Đoàn đại biểu châu Á-Thái Bình Dương”, gồm các nhà báo đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Fiji, New Zealand, Singapore và Papua New Guinea.

Ngày thứ hai ở thủ đô Washington DC, đoàn được dẫn đi thăm tượng đài Jefferson và tượng đài Lincoln. Những di tích rất ấn tượng và thậm chí thân thương, dẫu sao thì ta đã nhìn thấy chúng không biết bao nhiêu lần trong phim Hollywood. Nhưng tại trục danh thắng trung tâm DC, có một nơi tôi muốn thăm hơn hết, lại không hề nằm trong lịch trình. Đó là khu Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam.

Trong một khoảnh khắc, tôi cảm thấy bối rối. Lịch trình được lên rất chặt, dẫn đoàn là những người Mỹ rất chuyên nghiệp, được thuê bởi Bộ Ngoại giao. Thành viên trong đoàn là một nhóm trí thức đến từ nhiều quốc gia phát triển, một số bạn hành xử chuẩn mực đến mức làm một ông Việt Nam phải thấy sờ sợ. Tôi trông cứ như một con cừu đen của đoàn, với tóc tai bù xù và vốn tiếng Anh của một thanh niên xem nhiều HBO. Chúng tôi mới quen nhau có một ngày. Và giờ tôi muốn đề nghị họ thay đổi lịch trình, vì ý muốn cá nhân của mình.

Tôi nghĩ, rồi cất tiếng hỏi mọi người: "Ở đây có bao nhiêu nước đã tham gia vào chiến tranh Việt Nam?".

Cô bạn Trung Quốc tất nhiên nhận đầu tiên. Nhà báo từ New Zealand nghĩ ngợi, rồi nhớ ra rằng nước này có gửi quân đến Việt Nam. Tôi quay sang cậu bạn từ Thái Lan, nhắc: "Nước cậu cũng tham gia đấy". Các máy bay ném bom miền Bắc xuất phát từ căn cứ không quân U-Tapao tại Pattaya, cậu này nhớ ra và công nhận.

Tôi cứ gợi chuyện, cuối cùng hai người bạn Fiji và Papua New Guinea giở điện thoại ra lục, và phát hiện ra rằng hai quốc đảo nhỏ bé và hồn hậu này rốt cục cũng đã tham gia vào cuộc chiến, cách này hay cách khác. Gần hết các quốc gia có mặt ở đó đã "tham chiến" ở một nghĩa nào đó. Sau cùng, tôi đạt được mục đích. Cả đoàn đồng ý sẽ bỏ ra nửa tiếng để đi thăm đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam.

Một trong những bài học đầu tiên, cơ bản nhất và khó khăn nhất mà tôi học trong nghề báo hay truyền thông đại chúng, là việc người ta thường chỉ quan tâm đến những thứ liên quan trực tiếp tới họ. Bài học này không dễ nhớ, vì trong việc viết, các tác giả thường xuyên bị ám ảnh bởi những thứ quan trọng với-bản-thân. Trong những năm làm biên tập viên, tôi đã chứng kiến đầy thảm kịch: các nhà hoạt động môi trường, các nhà khoa học hay chuyên gia kinh tế nói rất nhiều điều sâu sắc về những vấn đề họ cho rằng rất quan trọng với tương lai đất nước hay số phận hành tinh. Nhưng rất ít người đọc. Vì độc giả không có cảm giác chuyện này liên quan đến đời mình.

Nhiệm vụ này, trong truyền thông đại chúng, khó khăn như thể là một cuộc hẹn hò. Đó là nơi mà người chỉ nói những chuyện mà bản thân họ cho là hấp dẫn sẽ bị loại. Người thắng cuộc thường biết gợi ra những mối quan tâm chung.

Tôi nhận thức rõ điều này: các bạn tôi trong đoàn ngày hôm ấy, cho dù đều là nhà báo có danh, không có lý do để quan tâm đến lịch sử Việt Nam, và tôi sẽ vô duyên nếu đề xuất họ đi xem một thứ liên quan đến "quốc gia láng giềng" nào đó. Tôi rủ họ đi xem một phần lịch sử nước họ trong chuyến du ngoạn nước Mỹ. Chuyện này nghĩ đến thấy vui hơn nhiều.

Hãy nghĩ tiếp về khái niệm "lịch sử" trong tư cách một chủ đề khoa học: bạn sẽ làm thế nào để thuyết phục một cậu bé 15 tuổi, đang dậy thì và coi mình là trung tâm của vũ trụ, phải quan tâm đến lịch sử? Chỉ vì cậu ta là người Việt Nam và đó là lịch sử của Việt Nam? Và lịch sử Việt Nam thì hiển nhiên quan trọng?

Câu trả lời đã được thể hiện qua điểm thi môn sử năm nay, hay là hiệu quả của việc dạy và học sử trong nhiều năm qua. Năm ngoái, hơn 80% số bài thi sử đạt điểm dưới trung bình. Năm nay, tỷ lệ là 70%. Có hô lên thống thiết rằng "lịch sử quan trọng lắm" thì cũng chẳng thuyết phục được học sinh. Xin lỗi, đó chỉ là môn học thuộc lòng để tránh điểm liệt, bản thân cậu học sinh, hay là phụ huynh của cậu ta sẽ trả lời bạn như vậy.

Ngày bé, có lần người lớn trong nhà kể cho tôi nghe, rằng "năm ấy" gia đình cụ ngoại đã chuẩn bị xong hành lý và mua vé để di cư vào Nam. Nhưng vì cậu út, tức là ông ngoại của tôi, cương quyết không đi, nên cả nhà phải ở lại. Ông tôi ở lại, dù vẫn là nhà chuyên môn có tên tuổi, nhiều năm sau này lận đận trong đường công danh vì "con nhà tư sản".

Có một thời hình như người lớn hay viện bối cảnh lịch sử để luận giải về hoàn cảnh gia đình cho trẻ con như thế. Mãi sau này, khi biết rằng "năm ấy" là năm 1954, tôi vẫn luôn mang cảm giác rằng mọi thứ: đoàn người di cư năm 54, Hiệp định Geneve, hay là cả không khí chính trị miền Bắc trong thập kỷ 60 và 70,... là một phần lịch sử gia đình mình, một chuyện rất riêng tư.

Hay tôi nhớ về giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp cũng hoàn toàn với tư cách chuyện riêng tư: ông bà nội tôi là những thành viên đầu tiên của chiến khu Vần, Yên Bái. Từ đấy, những "Tổng khởi-nghĩa Yên-Báy" năm 1930, hay là cuộc đời Nguyễn Thái Học, Đoàn Trần Nghiệp, Phó Đức Chính, những người bị tử hình ở Yên Bái năm đó, trở thành một phần thân thuộc nào đó trong tâm thức tôi.

Không phải lúc nào lịch sử cũng phải là một phần lịch sử gia đình người ta mới nhớ. Nhiều người sẽ không tin điều này: phải đến tận năm gần 30 tuổi, tôi mới thực sự đọc về mốc 30/4/1975. Trước đó, tôi cũng như hầu hết thanh niên coi môn lịch sử là môn "học thuộc lòng" và là học sinh cá biệt trong mắt cô giáo dạy sử (và nhiều môn xã hội khác). Nhưng tháng 4/2015, một sự tình cờ khiến tôi gặp những "đứa trẻ babylift" – những trẻ mồ côi được đưa khỏi Việt Nam trong chiến dịch không vận tháng 4/1975. Một người trong số họ quay về Việt Nam tìm mẹ, và tôi vô tình tham gia vào hành trình đó. Cái gì thì tôi không hiểu, chứ cảm giác của một đứa trẻ mồ côi thì tôi biết.

Lịch sử có thể liên quan đến chính cuộc đời mỗi người, hoặc liên quan đến những cảm xúc riêng của mỗi người. Nó chỉ trở nên thực sự đáng quan tâm khi ta tạo ra được sự "liên quan" ấy. Ở đây, rất dễ nhìn thấy rằng sách giáo khoa lịch sử và các bộ câu hỏi trắc nghiệm không tạo nên cảm xúc liên quan cho người trẻ. Cứ trách họ mãi vì "thờ ơ" cũng không phải cách. Câu hỏi đặt ra là, làm sao để phiên dịch lịch sử thành cảm xúc, thành những câu chuyện riêng, chất phác mà mỗi người bình thường đều có thể thấu hiểu – đều cảm giác đó là đời của họ.

Ở cấp độ cao nhất, như chúng ta nhìn thấy cách người Hàn Quốc, Nhật Bản và người Mỹ đã làm, thì việc giáo dục lịch sử trở thành một nghệ thuật truyền thông, với khối lượng nghiên cứu đồ sộ, các bậc thầy kể chuyện, hình thức hấp dẫn và tạo thành những sản phẩm có thể bán toàn cầu.

Rất dễ tưởng tượng rằng một nhà sản xuất Hàn Quốc có thể làm gì với một bát phở: lịch sử thời Pháp thuộc, những dòng người di cư từ Nam Định trước năm 1945, rồi bát phở theo chân người vào Nam năm 1954 sau Hiệp định Geneve, đó là nơi nó được thêm tương ngọt, giá đỗ và rau húng...

Ông bán phở và người ăn phở sẽ bỏ dở cả bát phở ngồi xem cái bộ phim hay đọc cuốn sách đó. Người ta sẽ quan tâm đến lịch sử mà không ai cần hô hào.

Đó là trách nhiệm của các nhà quản lý hay là của khối tư nhân, khuôn khổ bài viết này không đủ để bàn. Nhưng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một thực tế, rằng trách nhiệm giáo dục lịch sử không thể trông chờ vào sách vở và nhà trường phổ thông. Đó là một chủ đề đặc biệt, với phương pháp tiếp nhận đặc biệt, và cần sự sáng tạo ở quy mô xã hội. Nhiều học sinh có điểm dưới trung bình, chỉ là phần nổi của một tảng băng, trong đó sự sáng tạo và tìm tòi lịch sử ở quy mô xã hội bị hạn chế vì nhiều lý do.

Khi chúng ta nói về lòng yêu nước, thì rất nhiều phần trong khái niệm "yêu nước" đó chính là yêu lịch sử. Nếu nhìn từ góc độ này, thì tính hiệu quả của việc dạy sử như nước ta bây giờ rất đáng sợ. Trẻ con thà cosplay theo trang phục thời Edo bên Nhật (vì các nhà sản xuất Nhật đã tạo ra mối liên hệ cảm xúc với chúng thông qua manga), chứ không đọc lịch sử Việt Nam.

Trong bình diện tôi nêu ra, tất nhiên, chính mỗi người đều có thể và cần là một nhà sư phạm. Bạn có thể nghĩ: mình sẽ kể câu chuyện gì cho con mình hôm nay, về lịch sử?

Đức Hoàng

lich su cho ai Vì sao điểm thi môn Lịch sử thấp?

Nội dung sách giáo khoa Lịch sử đậm chất báo cáo chính trị, nghiêng về sự kiện với những chiến dịch, trận đánh..., không gây ...

lich su cho ai Ba kỳ thi lịch sử của nền khoa bảng Việt Nam

Trong suốt chiều dài lịch sử, nền khoa bảng nước ta đã chứng kiến nhiều khoa thi khác nhau. Trong đó, khoa thi vào năm ...

lich su cho ai Điểm thi Lịch sử thấp kỷ lục: Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp?!

Những thông tin mới về điểm thi Lịch sử năm 2018 khiến dư luận không khỏi băn khoăn nguyên nhân và cách giải quyết của ...

/ vnexpress.net