100% thành viên của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục có mặt tại phiên họp toàn thể đã nhất trí đồng ý quy định môn học Lịch sử cấp THPT là môn học bắt buộc.

Nhiều ý kiến cho rằng môn Lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này.

Đa số ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp THPT thành môn lựa chọn.

Lý do, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử. Lịch sử cũng giúp bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó giúp hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh THPT (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc, quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Vì thế, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc,

Với 100% thành viên của Uỷ ban nhất trí đưa Lịch sử thành môn học bắt buộc ở bậc THPT thay vì là môn lựa chọn như dự kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh việc cần phải xây dựng chương trình môn học như nào, dạy học ra sao để học sinh yêu thích môn Lịch sử. Theo bà, sửa môn Lịch sử thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” là xong.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đề nghị ngành giáo dục và đào tạo thay đổi phương pháp dạy và học môn Lịch sử, qua đó tạo hứng thú cho học sinh.

 

PV (t/h) / Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống