Trong những ngày qua, hàng vạn du khách đưa gia đình đi chơi trong nước, như bù lại sau thời gian bị “cấm túc”, tù túng bởi dịch bệnh COVID-19. Ngành du lịch các địa phương cũng “mạnh ai, nấy làm”, sao cho du khách đến với mình nhiều nhất, ở lại lâu nhất... Tính liên kết dịch vụ trong ngành, nơi này với nơi kia… vốn lỏng lẻo, nay càng bộc lộ điểm yếu rõ hơn bao giờ hết.
Tiềm năng không thiếu
Nhiều năm trước, việc liên kết các địa phương liên cư, liên địa để cùng nhau phát triển du lịch đã được nghĩ đến và đặt ra trong nhiều hội thảo, hội nghị. Ban đầu là sáng kiến “Con đường di sản” của Paul Stone, lúc đó là Tổng giám đốc Khách sạn Furrama. Sau lan dần ra cả nước với những chương trình như, “Ba địa phương - một điểm đến”, của các tỉnh Duyên hải Miền Trung, “Vòng cung Tây Bắc” của các tỉnh Tây Bắc.
TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”; Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”… Nội dung chính là các địa phương giới thiệu các điểm đến của mình, thực hiện những chùm tour để giữ chân du khách lâu hơn, tiêu xài nhiều hơn.
Trong một hội thảo liên kết du lịch tại Miền Trung, TS Trần Du Lịch nhận định, nếu không liên kết phát triển du lịch, để địa phương nào cũng tự phát sẽ “phá” tiềm năng, không tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh với các nước ASEAN. Đồng thời PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương - cũng cho rằng, nếu không có chiến lược liên kết phát triển du lịch thì tài nguyên sẽ bị khai thác đến… hoang tàn.
Thực tế cũng cho thấy, liên kết vùng chính là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả khi mà biên giới du lịch giữa các địa phương đã không còn hiện hữu, thay vào đó là một điểm đến chung thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền.
Ví dụ, sản phẩm “Con đường di sản” nhấn mạnh khu vực duyên hải miền Trung có hàng loạt di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, với quần thể các cung điện, đền đài và lăng tẩm của triều Nguyễn (Hoàng thành Huế), Thương cảng cổ Hội An, khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn; rừng quốc gia Bạch Mã, núi Bà Nà, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, với đa dạng sinh học… Đặc biệt gần đây, tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) liên tiếp công nhận di sản văn hóa, hoặc danh lam thắng cảnh thế giới cho nhiều địa chỉ, trên nhiều địa phương Việt Nam. Điều kiện như vậy, thuận lợi cho việc xây dựng các chùm tour có chất lượng, nhất là tour dài ngày.
Hối hả hậu COVID
Song những năm qua sự hợp tác, liên kết phát triển trong ngành Du lịch cũng mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trong khi đó những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực chung… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Ở các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sản phẩm du lịch nơi nào cũng na ná như nhau. Cần Thơ có thăm vườn cây ăn trái, thì Tiền Giang cũng không kém cạnh; Sóc Trăng có tour thăm chùa Som Rong, Chén Kiểu, thì Trà Vinh cũng có chùa Âng, chùa Vàm Ray… Rồi ẩm thực, làm nông dân một ngày… cứ đều chằn chặn, gây cảm giác nhàm chán cho du khách.
Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang - đề nghị: “Phải xây dựng sản phẩm đặc thù của ĐBSCL, rồi sau đó là sản phẩm của từng tỉnh thì mới không trùng lắp...”.
Ở Miền Trung, với thông điệp “Điểm đến an toàn và mến khách”, tháng 5.2020 vừa qua, ba tỉnh, thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam vừa cam kết triển khai nhiều nội dung, hướng đến tăng cường liên kết, hợp tác, nhằm tạo đà phục hồi du lịch trong và ngay sau dịch COVID-19.
Tính đến nay, ba địa phương đã có hơn 10 năm hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Trong nội dung hợp tác, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cố gắng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn, hấp dẫn khách du lịch như: Festival Huế, pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival di sản Quảng Nam…
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, với thông điệp “Điểm đến Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam an toàn và mến khách”, ba tỉnh cam kết, thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho cộng đồng du khách và các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch; hỗ trợ xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới, gói dịch vụ liên kết giữa ba địa phương... Dự kiến thời gian triển khai chương trình kích cầu du lịch chung từ ngày 1.6 - 30.9.
Trong hoạt động du lịch, liên kết là câu chuyện sống còn, tuy vậy phát biểu trên diễn đàn thì thường dễ hơn thực hiện. Ví dụ, theo đánh giá của Tổng cục du lịch, 10 năm qua, ba tỉnh Quảng Nam, TT-Huế, Đà Nẵng là hình mẫu hợp tác cho ngành du lịch. Tuy vậy trước hết, để thể hiện tinh thần “hợp tác”, bandroll, flyer quảng bá những chương trình hoạt động lễ hội tầm cỡ của mỗi địa phương như Festival Huế, “Hành trình di sản Quảng Nam”, hay pháo hoa Đà Nẵng… cũng nên được giăng giăng phất phới trên đường sá, sân bay, bến xe, nhà ga ba tỉnh - điều chưa từng thấy từ trước đến nay; rồi sau đó hãy bàn đến một điểm đến chung; một hành động chung.
Nguyễn Trung Hiếu
TPHCM và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ: Tạo dựng một thành phố du lịch xanh, thông minh và khác biệt Trong thời gian qua, báo chí và các chuyên gia tập trung mối quan tâm đáng kể vào thông tin dự án phát triển Khu ... |
TP.HCM đưa vào hoạt động tuyến vận tải du lịch đường thủy đầu tiên Tuyến du lịch đường thủy Bến Bạch Đằng-Bình Dương-Củ Chi có cự ly di chuyển trên 78km, sử dụng 3 tàu cao tốc với sức ... |