Hàng loạt vụ giết người xảy ra mà cả nạn nhân lẫn hung thủ đều là những người trong gia đình, hoặc từng là những người thân thiết. Vụ vợ giết chồng ở Bình Dương hay gần nhất là vụ bố giết cả 2 con và vợ rồi tự tử không thành ở Thanh Hóa.
gia đình
“Đó là thực trạng kinh khủng và dự báo còn nhiều hành vi hung bạo sẽ xảy ra. Nguyên nhân do thực tế giáo dục cả trong gia đình và trường học, với sai lầm quên dạy làm người trước khi dạy chữ, hô hào “tiên học lễ hậu học văn” nhưng cách thức và phương pháp thì nhồi nhét kiến thức, chạy theo bằng cấp...” - TS xã hội học Phạm Thị Thúy phát biểu - khi đề cập các vụ việc bi kịch gia đình xảy ra gần đây - gióng lên hồi chuông báo động về bạo lực gia đình.
Do lỗ hổng văn hóa
TS Phạm Thị Thúy bày tỏ quan điểm: Bi kịch do lỗ hổng văn hóa trong mỗi người và một số cá nhân không có nền tảng văn hóa và đạo đức ngày càng nhiều. Đó là thực trạng kinh khủng và dự báo sẽ còn nhiều hành vi hung bạo sẽ xảy ra.
Nguyên nhân do thực tế giáo dục cả trong gia đình và trường học với sai lầm quên dạy làm người trước khi dạy chữ, hô hào “tiên học lễ hậu học văn” nhưng cách thức và phương pháp thì nhồi nhét kiến thức, chạy theo bằng cấp. Sai lầm này diễn ra quá lâu, cả vài chục năm nay và giờ chúng ta “gieo gì gặt nấy”...
TS Trần Thành Nam - giảng viên Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng: Mỗi trường hợp cụ thể sẽ có những tình tiết riêng. Tuy nhiên, nguyên nhân phần nhiều dẫn đến trường hợp hạ sát man rợn những thành viên trong gia đình, đó là tình trạng sức khỏe tinh thần, tâm lí của người ra tay sát hại.
Nhìn nhận một số vụ việc hung thủ là phụ nữ thời gian gần đây, TS Trần Thành Nam cho rằng: Thực tế cuộc sống, phụ nữ luôn là những người phải chịu đựng và chịu nhiều áp lực nhưng lại không được nói ra. Họ không thổ lộ cũng như không có kĩ năng chia sẻ, không thể xả bớt những bức xúc ra bên ngoài. Họ giống như những cái bình chứa, những bình khí bị nén lại. Khối stress ấy được tích tụ lâu ngày, đến một lúc nào đấy, nó sẽ phát nổ.
Theo TS Nam: “Về mặt tâm lý tội phạm, theo tôi, lúc đầu, họ không có ý định ra tay sát hại quá man rợn như thế. Ban đầu, họ hoảng loạn cực độ bởi chính mình đã gây ra một tội ác quá lớn. Bởi chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà có nhiều thứ được đề cao hơn cả cái chết... Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật không nhiều. Một yếu tố khác nữa chính là sự ảnh hưởng bởi văn hóa bạo lực đang xuất hiện đầy rẫy chỗ này, chỗ khác như phim ảnh, game, truyện…
Những người yếu thế hơn, có học vấn, trình độ kém hơn hay phụ nữ… là những người thường phải chịu rất nhiều áp lực, kể cả áp lực cuộc sống mưu sinh hàng ngày, những trách nhiệm đối với gia đình, những lỗi lầm gì đấy đều là người phụ nữ phải gánh chịu. Thậm chí những người chồng, đôi lúc cũng có những hành vi bạo hành hoặc bạo hành lời nói đối với phụ nữ, không quan tâm đến những biểu hiện về sức khỏe thể chất và đặc biệt là sức khỏe tinh thần của họ… Những điều đó có thể là những yếu tố chung tạo nên áp lực lớn cho người phụ nữ, những người yếu thế nhất.
Chúng ta đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực an sinh xã hội cho phụ nữ nghèo, tuy nhiên, cũng chưa có được sự tiến bộ vượt bậc và bất bình đẳng giới cũng vẫn còn phổ biến. Cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình, muốn gia đình phát triển thì cần có sự chung tay xây dựng từ hai phía...”
Lệch chuẩn
Đồng quan điểm với TS Trần Thành Nam, bà Trần Thu Hương - giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - cho rằng: Những việc xảy ra trong thời gian vừa qua có nhiều cung bậc, nhiều mức độ khác nhau. Xung đột gia tăng mà không có cách nào có thể giải quyết được một cách triệt để thì sẽ dẫn đế những hành vi lệch chuẩn. Những hành vi lệch chuẩn ấy thể hiện hành vi mất định hướng, mất giá trị của rất nhiều người trong xã hội hiện nay.
Con người rơi vào bế tắc xung đột không thể giải quyết được và chỉ có cách thức dùng bạo lực để có thể giải quyết mọi vấn đề, dẫn đến xung đột gây hấn. Hành vi gây hấn một góc độ nào đó mang tính bản năng. Những cái đấy dồn nén nhiều lâu ngày thì đến lúc nào đấy nó sẽ bung ra, khi bung ra thì mức độ gây hại sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc để dồn nén có cơ hội được giải tỏa, được giải phóng ra khỏi những năng lượng khó chịu. Trong những trường hợp đấy, trong những tình huống như vậy, nếu có một nơi nào đó hoặc có một ai đấy có thể đứng ở giữa làm trung gian can thiệp và giúp cho người ta xả ra được những tiêu cực thì có lẽ, những hậu quả của những hành vi sẽ giảm đi, không nặng nề như những trường hợp vừa rồi.
Khi mỗi người đều xác định cho mình một giá trị, mỗi người có một cái quãng tự do riêng trong khuôn khổ, có nghĩa là để cho người ta một khoảng không gian riêng tư. Khi được tự do như vậy, con người sẽ không bị áp lực nhiều, ứng xử vời những người khác một cách hài hòa hơn.
Để giải quyết được mâu thuẫn, cần có những biện pháp can thiệp. Ví dụ, trong 2 người xung đột thì cần phải có 1 người đủ tỉnh táo để có thể dừng lại những cơn xung đột ấy. Nếu cứ để cho xung đột gia tăng thì tận cùng sẽ là những vấn đề tiêu cực không đáng có mà thôi.
Khi bắt đầu xảy ra các xung đột, tốt nhất, nên tìm kiếm những người nào mà có thể hỗ trợ được, thông thường sẽ tìm những người không ở trong gia đình hoặc những bạn bè thân để người ta cho những lời khuyên. Tuy nhiên, những lời khuyên ấy đôi khi chỉ là tính kinh nghiệm hay thậm chí là “đổ thêm dầu vào lửa”, vì thế cách tốt nhất là nên đến gặp các chuyên gia vì các chuyên gia được trang bị những kiến thức, kỹ năng về mặt khoa học và thực tiễn để họ có thể giúp cho những người có xung đột ấy giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực và đẩy những cảm xúc tích cực lên tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Vài suy nghĩ về quan niệm định mệnh và Phật giáo “Oedipe, số phận của ngươi thật là khủng khiếp: Ngươi sẽ giết bố, lấy mẹ”. Đó là lời sấm ngôn trong bi kịch Oedipe của ... |
Bi kịch nối tiếp ở 1 gia đình tại Vĩnh Long Qua thẩm vấn tại tòa, tất cả bi kịch cuộc đời của gia đình bị cáo hé dần ra từ lúc ở quê nhà Vĩnh ... |