“Hai lần qua tận Campuchia tìm con giữa mưa bom, lửa đạn mà không gặp, nay không ngờ, nó trở về bằng xương, bằng thịt, thiệt không gì hạnh phúc bằng” - cụ Nía xúc động kể về đứa con trai trở về như “cổ tích” sau 33 năm bà nhận tin báo tử.
Ông Chóng (áo sẫm) bên những người thân trong gia đình. Ảnh: PV
“Cổ tích” lúc nửa đêm
Từ khuya hôm mùng 5 tết tới nay, căn nhà của cụ Huỳnh Thị Nía (87 tuổi, ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Gia đình cụ như đang sống trong chuyện cổ tích: Người con trai trở về sau 33 năm tưởng đã nằm lại nơi chiến trường.
Chuyện bắt đầu vào khuya mùng 5 tết, khi cả nhà đang yên giấc, bỗng nghe tiếng gọi: “Anh Tư Cao ơi”. “Nghe gọi tên mình, tui xuống giường mở cửa ra coi, do trời tối quá nên không nhìn rõ ai. Lúc đó, bỗng dưng tui có linh tính và cất tiếng gọi lại: “Chú Sáu” - tức thằng Sáu Chóng, em ruột tui. Ngay tức khắc, nó ôm chầm lấy tui. Vừa lúc đó, mẹ tui (cụ Nía) bước ra. Cả nhà ai cũng sững sờ vì thằng Sáu đã chết trên chiến trường từ 33 năm trước” - ông Tư Cao (anh thứ 4 của ông Chóng) kể lại trong xúc động. Rồi những người thân, bà con lối xóm gần xa kéo đến hỏi thăm, chúc mừng. Họ như không tin vào mắt mình bởi chuyện xảy ra quá ly kỳ như 1 giấc mơ ngày tết.
Ông Chóng tên đầy đủ là Trương Văn Chóng. Cả gia đình không ai nhớ ông đã bao nhiêu tuổi, chỉ biết là tuổi Sửu. Ông Chóng là con trai thứ 6 trong gia đình có 10 người con của cụ Huỳnh Thị Nía. Năm 1983, ông Chóng tham gia bộ đội, chiến đấu tại chiến trường Campuchia theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau 1 năm học quân sự ở Đồng Tâm (Tiền Giang), sang năm 1985, ông chính thức ra chiến trường và tham gia trận đánh ác liệt đầu tiên với quân Khmer đỏ.
Trong trận đánh đó, ông bị thương nặng, chạy trốn vào rừng, rồi hôn mê. Ông được 1 người phụ nữ địa phương cứu chữa, đem về nhà cưu mang. Cảm nghĩa, ông sống chung với người phụ nữ này như vợ chồng, và không có con. Do di chứng của vết thương để lại, ông không nhớ gì về quê hương, gốc gác, chỉ biết mình là người Việt, từng bị thương nơi chiến trận.
Thời gian trôi qua, ông tiếp tục sinh sống tại Campuchia, rồi lấy người vợ thứ hai, cũng người bản xứ và sinh được 2 người con. Cho đến khoảng 8 năm trước, ông lấy vợ lần thứ ba và về huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh sinh sống.
Cho đến một dạo, ông Chóng hỏi thăm nhiều người về quê hương mình. Dần dà, ký ức ông hồi phục, ông nhớ lại quê mình ở Thới Lai, Cần Thơ; nhưng cũng không nhớ rõ là chỗ nào của Thới Lai!. Mang trong mình nỗi nhớ mông lung, da diết với những cảm xúc khó tả, chiều mùng 5 tết Mậu Tuất, ông Chóng quyết định tìm đường về nhà.
Ông mang theo chiếc xe máy, rồi bắt xe đò từ Tây Ninh đi về Ngã Ba Ô Môn (cách nhà không tới 10km). Tới đó, ông lấy xe máy hỏi đường chạy về Thới Lai. “Đường xá giờ khác quá, tui tìm không ra, may sao gặp ngay dượng Út (bà con trong gia đình). Tui hỏi nhà ông anh thứ tư (tên Tư Cao), rồi được chỉ đường, tui mới lần theo chỉ dẫn. Lúc đó, tui cũng không biết người chỉ đường là dượng Út mình”.
Đến khu vực được chỉ dẫn, gặp 3 - 4 cái nhà nằm san sát nhau, ông Chóng cứ chạy đi chạy lại mà không biết nhà nào để hỏi. Sau cùng, ông dừng xe lại, rồi gọi lớn tên người anh trai thứ 4: “Anh Tư Cao ơi”.
Lúc này, người em trai thứ 8 trong nhà (Tám Phơi) mở cửa bước ra. Do đêm khuya, tưởng những người say xỉn đến phá làng phá xóm, ông Tám cất tiếng cự nự. Thấy vậy, ông Chóng liền phân bua: “Tui là em của ông Tư Cao”. Ông Tám bực bội tiếp lời: “Thì tui cũng là em ông Tư nè. Anh là ai mà tới đây nhận càn, có tin tui đánh anh không?”.
Lúc này, ông Tư Cao và cụ Nía nghe huyên náo trước nhà đã mở cửa bước ra. “Nghe ồn ào, và có ai gọi tên mình, tui xuống giường mở cửa ra coi, người đó cứ nhìn tui và gọi: Anh Tư Cao, Anh Tư Cao ơi… Dù chưa nhận ra đó là ai, nhưng bỗng dưng, tui có linh tính và cất tiếng gọi lại: “Chú Sáu, phải chú Sáu không?”. Ngay tức khắc nó ôm chầm lấy tui. Vừa lúc đó, mẹ tui cũng bước ra” - ông Tư Cao nhớ lại.
Vừa thấy cụ Nía, ông Chóng liền chạy lại nói: “Con là Chóng nè má ơi”. “Khi đó, tui chỉ biết sửng sốt đứng nhìn, bởi con tui đã chết hơn ba chục năm trước” - cụ Nía nghẹn ngào.
Nước mắt ngày về
Ông Chóng đi chiến trường năm hơn 20 tuổi, để lại quê nhà người vợ trẻ với đứa con trai mới chập chững biết đi. Mấy năm ngắn ngủi nơi chiến trường, thông tin ông gửi về là những lá thư nghệch ngoạc mà ông nhờ đồng đội viết giùm vì không biết chữ. Tất cả 3 lá thư với những dòng chữ mờ nhạt trên nền giấy vàng cũ nát theo thời gian. Vậy đó, nhưng mấy chục năm qua, cụ Nía xem đó như “báu vật” để cụ hồi tưởng và nhớ về đứa con trai.
Thuở nhỏ, ông Sáu thường hay bị ông Tư đánh đòn, nên trong ký ức, ông Tư Cao là người mà ông nhớ nhất. Hôm nhận tin báo tử, cả nhà cũng không biết ông Chóng mất ngày nào, chỉ nhớ vào tháng 3 âm lịch; nên hàng năm, gia đình làm đám giỗ cho 1 người ông vào tháng này, rồi gom chung lại làm luôn đám giỗ cho ông Chóng.
“Hôm 29 tháng Chạp giáp tết, tui cứ nhảy mũi liên tục, thấy có điềm báo thằng Chóng hiển linh về. Rồi 1 người bà con trong nhà cũng gặp như vậy, chiếc tivi không cắm điện, tự dưng bốc cháy. Bây giờ kể lại tui còn sởn gai ốc. Không ngờ đây là điềm báo hỷ em tui đã trở về” - ông Tư Cao cười mãn nguyện.
Ngày nhận tin báo tử của con trai, đêm nào cụ Nía cũng khóc hết nước mắt. Đến nỗi, không tin con đã mất, 2 lần cụ Nía cùng mấy người bạn tìm đường sang tận Campuchia tìm con. Mấy người em trong gia đình cũng đi chiến trường Campuchia được trở về lành lặn, sau đó, họ lại qua đó tìm hỏi tung tích ông Chóng. Còn ông Tư Cao thường hay đến Quân khu 9 hỏi thăm những người từ chiến trận trở về với hy vọng em mình còn sống. Nhưng mọi thứ đều chìm trong vô vọng…
“Khi hay tin thằng Sáu tử trận, tui không tin, nên 2 lần sang tận Campuchia để tìm nó. Lúc đầu, tui lên Long Xuyên (An Giang), rồi xuống tàu qua Cồn Cỏ, rồi lại xuống tàu qua Vĩnh Châu, sau đó mới tới chợ lớn Ô Xây, rồi tới số 11. Tui cũng không biết con mình ở đâu, chỉ biết lần theo địa chỉ trên mấy lá thư viết tay thằng Sáu gửi về từ chiến trường. Khi đó, chiến tranh còn dữ lắm, nhiều lần pháo kích ngập trời, phải trở về. Thằng Sáu đâu biết chữ, nó ngồi đọc rồi nhờ đồng đội viết dùm gửi về. Đã 33 cái đám giỗ, không ngờ hôm nay nó trở về lành lặn, thiệt không gì hạnh phúc bằng”- cụ Nía chia sẻ.
“Giờ tui cũng chưa biết tính sao, trước mắt cứ ở lại với gia đình, rồi liên lạc với vợ con cùng bàn bạc. Mấy bữa nay, gặp lại người thân, bà con lối xóm, được họ nhắc tên, gợi chuyện xưa, tui cũng dần nhớ lại ký ức cũ”- ông Chóng nói. Có đoàn công tác gần 10 người đến làm việc tại gia đình, sau cuộc làm việc, ông Chóng lăn tay vào một số giấy tờ vì không biết chữ và tay bị run nên không thể ký tên.
Cụ Nía vui vẻ nói: “Họ đến nhà nói sẽ thu lại bằng Tổ quốc ghi công của con tui và sẽ cấp lại giấy báo công để con tui hưởng chế độ. Họ cũng đề nghị con tôi đi khám sức khỏe lại nữa”.
Chú Ba Quai (bà con chú bác với gia đình ông Chóng) kể: “Hồi còn nhỏ, tui với thằng Sáu chơi thân nhau lắm. Hai đứa thường ra ngoài Vàm (ấp Định Môn) ngồi nhậu, rồi hát vọng cổ. Nó đờn hay lắm. Dù hơn ba chục năm trôi qua, nhưng tui vẫn nhận ra đúng là thằng Sáu”.
Ngày 22.2, ông Nguyễn Hoàng Phủ - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Thới Lai - xác nhận, đã đến nhà cụ Nía để tìm hiểu về việc ông Chóng trở về sau 33 năm được cho là tử trận bên Campuchia. Sẽ có báo cáo về Sở LĐTBXH TP để có hướng xử lý tiếp theo. Lãnh đạo Sở LĐTBXH TP.Cần Thơ cũng cho biết, sau khi có báo cáo cụ thể từ Phòng LĐTBXH huyện Thới Lai, sở sẽ làm việc với các bên liên quan, đặc biệt là cơ quan quân đội đã cấp giấy báo tử để từ đó xem xét xử lý các chế độ trợ cấp cho hợp lý. |
Phút trùng phùng của liệt sĩ trở về nhà sau 33 năm \'hy sinh\' Nghĩ rằng người đập cửa là "ăn trộm", cụ bà gọi các con đến xem mặt. Chị ông Chóng nhận ra em ruột, ôm chầm ... |
Liệt sĩ trở về nhà rạng sáng mùng 5 Tết Sau 33 năm được cho là đã hy sinh ở chiến trường Campuchia, ông Chóng bất ngờ về nhà, đập cửa gọi mẹ vào lúc ... |