Công ty năng lượng Gazprom của Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Áo - thị trường xuất khẩu khí đốt lớn cuối cùng của Nga ở châu Âu, từ ngày 16-11. Trái ngược với dự đoán rằng, động thái trên có thể tạo ra sự bất ổn trên thị trường, Chính phủ Áo khẳng định đã sẵn sàng cho tình huống này, trong khi châu Âu đang từng bước giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

nga-1.jpg
Kho trữ khí đốt Haidach (Áo) lớn nhất ở châu Âu. Trong nhiều thập kỷ, quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt được cung cấp qua đường ống từ Nga. Ảnh: Getty

Theo Thủ tướng Áo Karl Nehammer, việc ngừng cung cấp khí đốt của Gazprom đã được dự đoán từ lâu và Vienna đã có sự chuẩn bị. OMV, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất nước Áo cho biết đã sẵn sàng cho tình huống Nga cắt nguồn cung khí đốt, công ty sẽ phục vụ khách hàng qua các nguồn nhập khẩu từ Đức, Italia và Hà Lan.

Trên thực tế, khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine, Chính phủ Áo kiên quyết bác bỏ ý tưởng về bất kỳ lệnh cấm khí đốt nào của châu Âu đối với Nga và cho rằng điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Áo. Áo tiếp tục nhận được dòng khí đốt không gián đoạn của Nga vào năm 2022 và 2023, đạt mức kỷ lục 3,2 tỷ mét khối vào năm ngoái, chiếm hơn 80% lượng khí đốt nhập khẩu của nước này, chủ yếu được sử dụng trong sản xuất và sưởi ấm. Tuy nhiên, trước áp lực ngày càng tăng từ EU đối với các thành viên trong việc loại bỏ năng lượng Nga và những thách thức pháp lý trong giải quyết các giao dịch tài chính giữa các nước EU và Mátxcơva, Chính phủ Áo cho rằng, việc hướng tới chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga là phù hợp.

Tuyên bố từ Chính phủ Áo chỉ ra rằng, nước này có thể chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine vì đã có một số lựa chọn thay thế như: Bổ sung thêm các chuyến hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nhà cung cấp ở Trung Đông và Hoa Kỳ hoặc nhập khẩu khí đốt từ Na Uy, Italia và Đức. Hơn nữa, Áo có trữ lượng khí đốt đáng kể, đạt 93,5% vào tháng 10-2024, cho phép nước này đáp ứng bất kỳ sự thiếu hụt tiềm năng nào trong vài tháng liên tiếp...

Dừng cung cấp khí đốt cho Áo qua tuyến Nga - Ukraine, Nga chỉ còn hai bạn hàng tại châu Âu là Hungary và Slovakia. Trong khi đó, Hungary nhận khí đốt qua một đường ống chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ nên chỉ còn duy nhất Slovakia nhận qua Ukraine. Tuy nhiên Kiev đã tuyên bố không tiếp tục vận chuyển khí đốt qua đường ống trên sau ngày 1-1-2025, điều này có nghĩa là điểm kết nối cuối cùng giữa mạng lưới khí đốt của Nga và châu Âu có khả năng đóng cửa vào cuối tháng 12-2024.

Rủi ro chính là việc ngừng cung cấp khí đốt giữa Nga và Ukraine có thể gây căng thẳng cho thị trường vốn đã mong manh của châu Âu, có khả năng khiến giá khí đốt tăng đột biến trong thời gian ngắn trên các sàn giao dịch. Hiện tại các nước Trung và Đông Âu đang tìm kiếm giải pháp để tăng cường ổn định năng lượng khi dòng khí đốt của Nga qua Ukraine ngừng hoạt động, chẳng hạn như tận dụng mạng lưới khí đốt châu Âu và các trạm nhập khẩu LNG lân cận để có nguồn cung cấp bổ sung.

Đối với Nga, việc mất đi thị trường xuất khẩu khí đốt lớn cuối cùng ở châu Âu sẽ khiến Mátxcơva và Gazprom thiệt hại khoảng 4 đến 4,5 tỷ USD mỗi năm, làm trầm trọng thêm tình hình tài chính vốn đang gặp khó khăn của Gazprom. Tuy nhiên, Nga cũng đã tìm kiếm các thị trường thay thế để xuất khẩu khí đốt, trong đó tập trung vào châu Á để bù đắp tổn thất tài chính trong dài hạn.

Có thể nói, mức độ nhạy cảm của thị trường khí đốt châu Âu trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga qua Ukraine không như trong hai năm đầu của cuộc xung đột (2022 và 2023) bởi đã có nguồn cung ứng đa dạng. Tuy nhiên, EU sẽ phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện để tăng cường an ninh năng lượng. Lĩnh vực này sẽ liên quan đến việc mở rộng năng lượng tái tạo và tăng cường các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.

 https://hanoimoi.vn/nga-ngung-cung-cap-khi-dot-cho-ao-lieu-nang-luong-cho-chau-au-co-bat-on-684826.html

PV / HNM