Nhiều quốc gia muốn làm trung tâm sản xuất chip, bán dẫn toàn cầu tại Việt Nam giá trị hàng tỷ USD.

Hàng tỷ USD đổ vào các dự án bán dẫn Việt Nam

Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Ấn Độ… cùng quan tâm tới ngành công nghiệp chip bán dẫn, song Việt Nam đang có lợi thế hơn các đối thủ, thể hiện bằng sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc... về lĩnh vực được đánh giá là nóng nhất thế giới hiện nay.

bandan20230919181236
Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá là có nhiều lợi thế để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn

Ngày 16/9 mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dự lễ khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn của công ty Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc.

Hana Micron Vina (Hàn Quốc) là doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác, có tổng vốn đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD. Giai đoạn 1 của nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 11/2020. Đến năm 2025, Công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng 4 nghìn lao động.

Nói tới chất bán dẫn không thể không nhắc tới Intel - một trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu phát triển nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, với quy mô 1 tỷ USD. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch rót thêm hàng tỷ USD để mở rộng nhà máy tại Việt Nam.

Cùng với đó, Amkor Technology có trụ sở tại Arizona sẽ công bố bắt đầu hoạt động tại nhà máy hiện đại ở tỉnh Bắc Ninh vào tháng 10/2023, tổng vốn đầu tư cho dự án là 1,6 tỷ USD. Synopsys có trụ sở tại California đang triển khai một trung tâm ươm tạo và thiết kế chất bán dẫn phối hợp với Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh. Marvell có trụ sở tại California sẽ công bố thành lập một trung tâm thiết kế chất bán dẫn đẳng cấp thế giới tại TP.Hồ Chí Minh.

Mới đây, Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, hai nhà lãnh đạo Việt Nam - Hoa Kỳ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Trước đó vào thời điểm tháng 8/2022, lãnh đạo Tập đoàn Samsung trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, Samsung đang chuẩn bị thử nghiệm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà ở nhà máy Samsung Thái Nguyên. Chất bán dẫn sẽ đánh dấu hoạt động kinh doanh thứ 3 của Samsung tại Việt Nam, nơi công ty đang sản xuất thiết bị gia dụng và một nửa số điện thoại thông minh.

Hướng tới sản phẩm chip mang thương hiệu Việt Nam

Nhiều chuyên gia nhận định, cánh cửa đến với cuộc đua sản xuất chip toàn cầu là rộng mở đối với Việt Nam dù còn nhiều việc phải làm.

Tuy nhiên để ngành công nghiệp bán dẫn được lan tỏa thì không chỉ chú trọng thu hút FDI mà phải có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện mới có một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất chip như FPT Semiconductor, CMC, Viettel... Do đó, các doanh nghiệp công nghệ và công nghiệp hỗ trợ điện tử cần nỗ lực thay đổi, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất. Đồng thời phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam được chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ lõi, tiến tới sản xuất ra được sản phẩm chip mang thương hiệu Việt Nam. Trình độ nhân lực cao cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam đáp ứng được ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như tiếp nhận được chuyển giao công nghệ.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, cách làm hiệu quả nhất của Việt Nam lúc này là thu hút kỹ sư chip có trình độ cao trên thế giới về Việt Nam làm trong vài năm, các kỹ sư này sẽ giúp chuyển giao công nghệ, đào tạo tay nghề cho kỹ sư Việt Nam. Chính vì vậy rất cần chính sách thu hút nhân tài quốc tế đặc biệt trong ngành bán dẫn.

Dữ liệu đang được công bố trên Cổng thông tin Khoa học & Công nghệ quốc gia cho thấy, hiện nay Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Mới đây phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sẽ không có một ngành công nghiệp điện tử mạnh nếu không xây dựng được một ngành công nghiệp về vi mạch, bán dẫn. Công cuộc phát triển còn nhiều gian nan, sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt.

Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, điều quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chọn các giải pháp khoa học nhất, hiệu quả nhất. Tức là phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản, phải hiểu về công nghệ lõi. Để làm được điều này, Chính phủ sẽ có thay đổi, bổ sung luật về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…Chính phủ cam kết đầu tư các nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, đầu tư cho tương lai.

Nếu đáp ứng được yêu cầu trên Việt Nam có thể nhận chuyển giao công nghệ, tiến tới sản xuất ra được sản phẩm chip mang thương hiệu Việt Nam. Đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam dự báo vượt giá trị 6,17 tỷ USD. Đây sẽ là mục tiêu để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu, giúp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Một báo cáo của Gartner cho biết, doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Điều này có nghĩa, tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD.

Việt Anh / Báo Công Thương