Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 15/7 tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nước này, ngay sau khi ông Gotabaya Rajapaksa gửi thư từ chức qua email.

Theo Reuters, lễ tuyên thệ của ông Ranil Wickremesinghe diễn ra dưới sự chứng kiến của Chánh án Jayantha Jayasuriya. Thủ tướng Wickremesinghe sẽ đảm nhận vị trí Tổng thống lâm thời của Sri Lanka cho đến khi Quốc hội bầu ra nhà lãnh đạo mới.

Trước đó, cùng ngày Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana thông báo, đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa đã được chấp thuận và có hiệu lực từ ngày 14/7 đồng thời cho biết Quốc hội Sri Lanka sẽ nhóm họp ngày 16/7.

WVAKXWOUBFK67OEKRLHWAJLC3E-1657875771460
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 15/7 tuyên thệ nhậm chức Tổng thống. Ảnh: Reuters

Động thái này được đưa ra sau khi có thông tin Tổng thống Rajapaksa đã rời Sri Lanka trên một máy bay quân sự đến Maldives, sau đó tiếp tục đến Singapore, trong một động thái chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội đang ngày một trầm trọng tại quốc gia này

Ông Rajapaksa đã ủy quyền cho ông Wickremesinghe đảm nhận vị trí của mình và gửi thư tuyên bố từ chức qua email, theo Reuters, bất chấp loạt công kích từ phía người dân.

Theo Hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ là quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội bầu được một nghị sỹ kế nhiệm ông Rajapaksa trong phần còn lại của nhiệm kỳ hiện nay - kết thúc năm 2024.

Quốc hội sẽ tiến hành bầu tổng thống mới vào ngày 20/7 tới sau khi tiếp nhận các đề cử trong ngày 19/7.

Tuy nhiên, việc ông Wickremesinghe nắm quyền dường như không nhận được sự ủng hộ từ nhân dân. Nhiều người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục xông vào các tòa nhà của chính phủ cho đến khi chính Thủ tướng cũng từ chức. 

Căng thẳng và bất ổn đã kéo dài trong nhiều tháng qua tại Sri Lanka, khi người dân đối diện với đời sống cực khố vì thiếu thốn và nghèo đói. Mâu thuẫn giữa người dân và chính phủ lên đến đỉnh điểm khi người biểu tình tràn vào dinh thự Tổng thống và Thủ tướng hồi cuối tuần qua để yêu cầu họ từ chức. 

An Nhiên / CAND