Các container máy móc, xe đạp, chăn nệm, quần áo... nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm được in nhãn mác, xuất xứ tại Việt Nam. 

Gần đây, hải quan TP HCM liên tiếp phát hiện các lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam. Cuối tuần trước, container chứa 317 kiện hàng (khoảng 7,2 tấn) nệm, chăn, gối cao su bị bắt giữ trên tờ khai nhập khẩu và C/O xuất xứ Trung Quốc nhưng trên nhãn sản phẩm lại ghi xuất xứ, thương hiệu của Việt Nam.

Theo quy định, những mặt hàng này phải chịu thuế 20-25% nhưng khai báo C/O Trung Quốc để không phải nộp thuế. Trước đó, Cục Hải quan TP HCM cũng  phát hiện lô hàng gần 8.500 sản phẩm quần áo từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam và Hàn Quốc.

Các lực lượng kiểm tra nệm, chăn, gối nhập từ Trung Quốc ghi sẵn "Made in Vietnam". Ảnh: HQ TPHCM

Tại Bình Dương, hơn 10 container xe đạp đang bị tạm giữ. Hải quan cho biết, kiểm tra tại chỗ phát hiện số xe đạp nguyên chiếc này 100% nhập từ nước ngoài nhưng tem mác lại ghi sẵn "Made in Vietnam". Trong khi đó, doanh nghiệp khai báo là xe đạp lắp ráp tại Việt Nam. Ở Hải Phòng, hải quan cũng đang tạm giữ, truy xét hàng trăm container máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài về để lắp ráp đơn giản thành hàng có xuất xứ Việt Nam.

Tại một cuộc họp liên ngành về chống gian lận xuất xứ gần đây, Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đánh giá, tình trạnh này ngày càng diễn biến phức tạp khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa đến hồi kết.

Không chỉ giả mạo xuất xứ để tiêu thụ tại thị trường trong nước, nhiều đơn vị còn bị nghi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba, đặc biệt là Mỹ để hưởng ưu đãi thuế quan.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã có danh sách cảnh báo loạt mặt hàng có thể nằm trong diện "chống lẩn tránh" thuế khi xuất sang thị trường Mỹ, trong đó có mặt hàng được nâng mức độ cảnh báo lên ngưỡng cao nhất - cấp độ nguy hiểm.

Một trong số mặt hàng nằm trong diện cảnh báo nguy hiểm nhiều khả năng bị điều tra lẩn tránh thuế là gỗ dán. Hiện Mỹ áp thuế chống bán phá giá với gỗ từ Trung Quốc 183,36% và thuế chống trợ cấp là 22,98 - 194,9%, trong khi mức thuế áp dụng với hàng Việt Nam là 8%. Sự chênh lệch thuế quá lớn khiến các nhà buôn lợi dụng, biến Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng rồi tìm cách xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Dũng cho hay, tháng 11/2018, cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bằng hình thức chuyển tải đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở nghi ngờ công ty Finewood Việt Nam có các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc giảm gần 81% trong 9 tháng năm 2018, thì Việt Nam tăng 516% trong cùng khoảng thời gian đó. Còn số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Mỹ với các mã HS bị điều tra trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt gần 26 triệu USD.

Ông Dũng cho biết thêm, cơ quan này đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ. Ngoài gỗ, mặt hàng đá nhân tạo, đệm mút, xe đạp điện, thép tấm cán nóng... bị cơ quan phòng vệ thương mại cảnh báo cấp độ bị gian lận, lẩn tránh thuế.

Tại buổi làm việc của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) với Hải quan Việt Nam mới đây, Phó giám đốc USAID Bonnie Glick nói, chuyển tải bất hợp pháp là vấn đề "nóng" trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Do đó, bà cho rằng, việc hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong việc chấm dứt chuyển tải bất hợp pháp cũng thể hiện cam kết của hai Chính phủ.

Anh Tú

"Dâm quan" cưỡng hiếp hàng chục bé gái, cả TQ rúng động
Trung Quốc có máy tính lượng tử không thua kém Google
Mỹ cân nhắc dỡ bỏ khoản thuế 15% đối với 112 tỷ USD hàng Trung Quốc
Mỹ cân nhắc gỡ bỏ thuế với Trung Quốc

/ vnexpress.net