Vượt qua vòng tuyển dụng một cách tương đối dễ dàng, PV Báo Lao Động đã chính thức bước chân vào thế giới của cánh tài xế công nghệ. Chính từ cuộc trải nghiệm thực tế này, PV nhận ra rằng, vai trò của Grab trong việc chăm lo, bảo vệ cho các tài xế - vốn là đối tác của họ - rất lỏng lẻo.
Trở thành “tài xế xe công nghệ” Grab: quá dễ dàng
Trong vai người có nhu cầu trở thành đối tác của Grab Việt Nam, cụ thể là GrabBike, PV Báo Lao Động đã tìm đến chi nhánh Hà Nội của công ty này tại địa chỉ số 78, phố Duy Tân, quận Cầu Giấy. Gần như không gặp bất cứ trở ngại nào, sau khi đưa ra các loại giấy tờ liên quan như giấy phép, bảo hiểm xe môtô, giấy đăng ký xe… PV cùng khoảng 20 người khác (chủ yếu còn rất trẻ) được hướng dẫn làm hợp đồng rồi yêu cầu ngồi chờ để vào học ngay một khóa đào tạo cấp tốc có tổng thời gian học chỉ kéo dài trên dưới 1 giờ đồng hồ. Trong lớp học có khoảng 25 người, sau khi giảng viên nói về những nội quy của Grab và cách sử dụng dứng dụng Grab Driver dành cho tài xế, chúng tôi được yêu cầu trả lời 20 câu hỏi liên quan và được coi là đạt khi đúng từ 17 câu. Các giảng viên cũng liên tục nhấn mạnh: “Các tài xế không được bắt khách ngoài ứng dụng, nếu vi phạm sẽ bị khóa tài khoản vĩnh viễn, khi đã nhấn nút khách lên xe thì tài xế đã bị trừ tiền…”.
Những người đã qua bài thi sẽ được nhân viên chụp ảnh với trang phục của công ty để làm hình đại diện trên ứng dụng, việc còn lại là nộp tiền vào tài khoản của tài xế thì mới có thể bắt khách. Grab cũng quy định rõ, tài xế mới phải chạy đủ 10 cuốc mới được phát bộ đồng phục gồm: Áo phông, áo khoác gió, mũ bảo hiểm, áo mưa…
Và như thế là chưa đầy buổi một buổi sáng, bất cứ ai sở hữu xe máy và có bằng cũng có thể trở thành đối tác của Grab, bước chân vào thế giới “xe ôm công nghệ”.
Lần khác, với nhu cầu làm đối tác trong lĩnh vực GrabCar, PV được nhân viên tại văn phòng số 71 Vạn Phúc (Ba Đình) tận tình hướng dẫn cách tham gia. Cụ thể, đối với xe ôtô cá nhân thông thường, để có thể chạy GrabCar, chiếc xe buộc phải được lắp bộ định vị (trị giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng), phải chuyển đăng kiểm sang ôtô đăng ký kinh doanh (phí hơn 300 nghìn đồng) và phải là thành viên trong 1 hợp tác xã vận tải có chức năng dịch vụ. Ngoài ra, Grab cũng yêu cầu lái xe phải cung cấp bộ hồ sơ gồm bằng lái, giấy tờ xe, hộ khẩu, số tài khoản ngân hàng, giấy khám sức khỏe...
Khi được hỏi công ty sẽ hỗ trợ những gì, nhân viên của Grap này trả lời: sẽ hỗ trợ bằng cách tới tận nhà lắp định vị (vẫn tính phí) và cấp miễn phí phù hiệu của một hợp tác xã (HTX) vận tải.
Cần tăng cường quản lý
Theo tìm hiểu của PV, luật pháp Việt Nam quy định các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử phải ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ sử dụng phần mềm và chỉ được cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô. Do thủ tục và quy định để gia nhập doanh nghiệp vận tải phức tạp hơn, nên phần lớn các tài xế chạy taxi công nghệ đều gia nhập các HTX vận tải để được cấp phù hiệu hợp đồng.
Tuy nhiên, phần lớn những tài xế GrabCar mà PV được gặp trong quá trình thực hiện bài viết này đều không trả lời được cụ thể tại sao lại phải vào HTX vận tải và quyền lợi nghĩa vụ của tài xế là gì. Chính vì lẽ đó, có những người đã chạy Grab vài năm nhưng chưa hiểu HTX mà mình tham gia nằm ở đâu. Tất cả những gì họ cần là bật ứng dụng Grab bản dành cho lái xe và tương tác với nó. Điều này dẫn tới hệ lụy khi gặp các sự cố, sự việc ngoài mong muốn, hành khách không biết phản ánh tới đâu để giải quyết. Còn bản thân Grab thì luôn chỉ khẳng định mối quan hệ giữa công ty này và tài xế chỉ là quan hệ đối tác.
Màu áo xanh quen thuộc của tài xế GrabBkie. Ảnh: P.V |
Theo luật sư Vũ Thế Hợp (Đoàn Luật sư Hà Nội), ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có quy định nào cụ thể về việc xe máy chở hành khách. Do đó, ở góc độ pháp lý, các yêu cầu trong tuyển dụng của Grab với GrabBike là phù hợp. Tuy nhiên, theo luật sư Hợp với liên tiếp những vụ việc đau lòng vừa qua liên quan đến sự an nguy của cánh tài xế, cần phải có sự quản lý của nhà nước cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn cho người lao động. Cụ thể, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải là taxi, xe ôm công nghệ trong việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng thoát hiểm cho các lái xe trong trường hợp gặp phải những tình huống có vấn đề; Cần phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ lộ trình của các chuyến xe. Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh cũng cần phải đảm bảo quyền lợi của người lái xe về việc bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác khi tai nạn, rủi ro xảy ra.