Dư luận chưa nguội vụ đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền, lại tiếp tục “nóng” với đề xuất loại bỏ truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông, vì lo ngại những tác động tiêu cực của tác phẩm tới nhân cách học sinh.
Hình tượng nhân vật Chí Phèo qua diễn xuất của nghệ sĩ Bùi Cường.
Người nêu ý tưởng, ông Nguyễn Song Hiền, giải thích: “Chúng ta đã và đang hàng ngày chứng kiến những cảnh đau lòng của bạo lực học đường, học sinh "quan hệ" khi còn vị thành niên, học sinh cưỡng bức bạn học... Nếu để nguyên tác phẩm này, mặc nhiên nó đang ca ngợi Chí, ủng hộ Chí, bảo vệ Chí đó cũng là ủng hộ, bảo vệ và cổ xuý những hành vi thú tính và sai trái của Chí”.
Đây là một cách nhìn rất “lạ”, nếu không nói là hài hước, có phần ngây thơ về một tác phẩm văn học quen thuộc với nhiều thế hệ.
Vậy là lâu nay, các giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia, nhà giáo, nhà văn hóa, và nhiều thế hệ độc giả trong và ngoài nước… đều đã yếu kém đến mức, không nhận ra được mối “nguy hiểm chết người” từ một tác phẩm văn học? Và bao nhiêu thế hệ học sinh, trong đó có chúng ta, đã bị tác phẩm này “đầu độc” mà không hay biết?
Và chúng ta, phải cảm ơn, tôn vinh phát hiện “động trời” của ông Nguyễn Song Hiền?
Nhưng, thật may mắn, là không có sự bất ngờ, hay phát minh nào trong ý kiến của ông Nguyễn Song Hiền. Thực chất, đó là kết quả của cách đọc-hiểu tác phẩm văn học một cách máy móc, ngây thơ, mang tính chất xã hội học giản đơn.
Nếu áp dụng “phương pháp Nguyễn Song Hiền” (tạm gọi- PV) đọc tác phẩm văn học, chúng ta sẽ có nhiều kết quả khá thú vị: Chuyện cổ tích là lừa dối trẻ em, bằng những điều không có thật, hão huyền? Chuyện “Cây khế” sẽ đưa các em đến một nhận thức lệch lạc: không cần phấn đấu, trí tuệ, chỉ cần tốt bụng, thật thà sẽ trở nên giàu có, hạnh phúc?
Và kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du cũng sẽ rất “nguy hiểm”: Làm học sinh tiêm nhiễm tệ nạn xã hội; nhân vật Thúy Kiều cũng không tiêu biểu cho giai cấp nào của phụ nữ Việt Nam?
Tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng càng “phản giáo dục” hơn: Chỉ cần lừa đảo, lưu manh, đểu giả, là sẽ thành đạt?
Rồi thơ tình của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính… tiểu thuyết Tự lực văn đoàn… cũng làm học sinh ủy mị, yếu đuối, sa vào yêu đương mơ mộng vẩn vơ, quên mất lý tưởng học tập, rèn luyện?
Nếu theo “tiêu chí” của ông Nguyễn Song Hiền, không chừng chương trình Ngữ văn phổ thông chỉ còn lại lác đác vài ba câu ca dao vô thưởng vô phạt, vài mẩu truyện cười, truyện ngụ ngôn…
Đương nhiên, giới chuyên môn sẽ không mấy bận tâm về việc sẽ có sự thay đổi chương trình Ngữ văn sau đề xuất của ông Nguyễn Song Hiền. Nhưng với đề xuất “độc” này, ông đã trở nên khá nổi tiếng. Và thiết nghĩ, chúng ta cũng không nên quá bức xúc, nặng lời với tác giả.
Đề xuất bỏ ‘Chí Phèo’ khỏi SGK lớp 11: Thầy giáo nổi tiếng đưa luận điểm phản bác Thầy giáo Trịnh Quỳnh đã đưa ra luận điểm để phản bác lại đề xuất loại tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi chương trình SGK ... |
Gửi người muốn đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách Ngữ Văn 11! Muốn đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách Ngữ Văn 11 là thiếu tôn trọng hiện thực. Không biết anh Nguyễn Sóng Hiền đã ... |