Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận tạm ứng vốn để duy trì tiến độ 5 dự án đường sắt đô thị.
Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm của ngành. Trong đó, Bộ báo cáo chi tiết về tiến độ các dự án đường sắt đô thị.
5 dự án đường sắt đô thị gồm 3 dự án ở Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Yên Viên - Ngọc Hồi) và 2 dự án ở TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương). Tổng mức đầu tư của 5 dự án là 168.244 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang trong thời gian chạy thử. (Ảnh: Việt Linh)
Bộ GTVT đã nêu tiến độ thực hiện và những vướng mắc cụ thể ở từng dự án.
Thứ nhất, dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên (khởi công tháng 8/2012) chưa được ghi kế hoạch vốn năm 2018, do đó dự án đang phải thanh toán bằng 1.000 tỷ đồng tạm ứng từ ngân sách TP.HCM trong khi chờ Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương (khởi công tháng 8/2010) có 9 gói thầu, trong đó gói thầu CP1 (tòa nhà văn phòng, khu depot) đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
Các gói thầu còn lại của tuyến Bến Thành - Tham Lương đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, các gói thầu chưa thể triển khai do đang vướng mắc về điều chỉnh dự án và nguồn vốn cho dự án.
Dự án hứa hẹn về đích sớm nhất là Cát Linh - Hà Đông, hiện đã hoàn thành 96% khối lượng xây lắp. 95% lượng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường và lắp đặt đạt 83% khối lượng. Đoàn tàu đang được vận hành chạy thử để chuẩn bị khai thác thương mại.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến khai thác trước đoạn trên cao. (Ảnh: Việt Linh)
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2018 cũng đang chậm tiến độ. Tổng tiến độ mới chỉ đạt 46% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022.
UBND Hà Nội đang đợi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng vận hành trước đoạn tuyến trên cao từ Nhổn đến ga S8.
Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến số 1) đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng.
Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy các dự án đường sắt đô thị đều gặp phải vấn đề về thiếu vốn, chậm tiến độ. Trước đó, báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện gửi tới Chính phủ và các bộ ngành khác mới đây cũng cho thấy 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn tới 132.576 tỷ đồng.
Vỡ lở vụ hối lộ: Đường sắt đô thị số 1 Hà Nội dừng đến bao giờ? Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên sẽ lăn bánh tại Hà Nội vào đầu năm tới (2019) là tuyến 2A (Hà Đông - Cát ... |
Những bãi rác khủng dưới gầm cầu đường sắt đô thị Từ nhiều năm nay, dưới gầm cầu của tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên), đoạn qua P.Thảo Điền, ... |
Nga giúp TP.HCM làm đường sắt đô thị: Tương lai xa? (Tin tức thời sự) - TP.HCM đã ghi nhận nhiều tư vấn, góp ý, quyết định phương án xây đường sắt trên cao nên Nga ... |
Gần 700 nhân sự vận hành 13 km tàu Cát Linh - Hà Đông Hơn 600 nhân viên làm việc tại 8 trung tâm của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong đó 201 người đào ... |