Việc lên tiếng cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố của Bộ TN-MT là cần thiết, nhưng vẫn nên có hội đồng đánh giá độc lập 2 dựa án này.
Cần một nhóm đánh giá độc lập khách quan 2 dự án
Bộ TN-MT vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư thí điểm hai dự án khai thác và chế biến bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông) gửi Bộ Công Thương.
Báo cáo nêu rõ, trong quá trình sản xuất, dự án đã xảy ra sự cố 3 lần nhưng được khắc phục kịp thời. Bộ TN-MT cho rằng \'\'trong tương lai, dự án vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra\'\'.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Hồ Uy Liêm - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH-KT Việt Nam cho biết: "Ngay từ đầu khi mới đưa ra chủ trương thí điểm hai dự án, Liên hiệp các hội KH-KT VN đã mời các nhà khoa học giỏi nhất trong nước đóng góp ý kiến, sau đó trình bày tại cấp cao.
Tôi còn nhớ lúc đó không ai phản đối ý kiến LHH, thậm chí nhiều quan điểm tỏ ra đồng tình, nhưng quyết định cuối cùng vẫn cho phép thực hiện thí điểm.
Điều tôi băn khoăn đã là thí điểm chỉ nên làm 1, quy mô tương đối nhỏ, nhưng ở đây chúng ta làm luôn quy mô trăm nghìn tấn, với công nghệ 2 nhà máy hoàn toàn giống nhau.
Cần có một hội đồng chuyên gia đánh giá độc lập hai dự án bauxite Tây Nguyên
Tức là họ không nghe, không tiếp thu ý kiến của LHH, chưa kể chuyện chế biến vận tải, công nghệ, đều không làm đúng góp ý của chuyên gia".
Bên cạnh đó, theo ông Liêm, quá trình tiến hành sản xuất, cả hai nhà máy liên tiếp xin giảm thuế, miễn thuế từ thuế môi trường, đất đai, trong khi, nền tài chính quốc gia của bất kỳ nước nào cũng sống trên việc thu thuế doanh nghiệp.
Ngay từ đầu các nhà khoa học đã thấy dự án sẽ không có kết quả, không có tiền thuế để tỉnh phát triển KT-XH, nhưng vẫn cố tình thực hiện thì dĩ nhiên phải nhận trái đắng.
"Dù Bộ TN-MT đã đưa ra lời cảnh báo, nhưng tôi rất muốn nhà nước tổ chức ra hội đồng, nhóm chuyên gia độc lập để đánh giá lại hai dự án, đặc biệt, không phải của Bộ TN-MT vì họ từng ủng hộ dự án sản xuất bauxite cả Tân Rai, Nhân Cơ.
Nhiệm vụ của Bộ TN-MT là giữ cho môi trường không bị ảnh hưởng xấu, nhưng họ vẫn cứ ủng hộ các dự án dù biết tiềm ẩn nhiều nguy cơ, như chuyện lở đất, lũ quét Sơn La, toàn những sự cố không tính toán được trước.
Cuối cùng, xem xét về mặt hiệu quả kinh tế của hai dự án nếu không như mong đợi thì nên dũng cảm dừng lại còn hơn là tiếp tục thua lỗ. Chưa nói đến nhu cầu Alumin hiện nay trên thế giới không cao, quá nhiều nước có mà chất lượng tốt hơn Việt Nam.
Công nghệ Trung Quốc là công nghệ lạc hậu, chưa nói chuyện chất thải ra đáng lẽ chất thải rắn ở đây lại là chất lỏng, nguy cơ có thể gây ra những sự cố môi trường, nếu cộng thêm biến đổi khí hậu không biết thế nào.
Vì thế, nên tôi muốn nhà nước có một nhóm chuyên gia hoàn toàn độc lập khách quan, đóng góp ý kiến cho hai dự án này, còn Bộ TN-MT họ nói được thế cũng tốt nhưng chưa đủ khách quan", ông Liêm nhấn mạnh.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Ở góc độ khác, cả hai dự án đều do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, tổng đầu tư hai dự án vượt 32.000 tỷ đồng.
Sau 9 năm triển khai, các thiết bị ở nhà máy alumin Tân Rai và thiết bị tại một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp, khả năng tuổi thọ của các thiết bị này không được như mong muốn.
Vì thế, theo ông Liêm, phải mời chuyên gia về cơ khí vào đánh giá, vì các thiết bị của Trung Quốc đưa vào Việt Nam là rất đáng ngờ và chưa có bất cứ thiết bị nào tốt từ làm xi măng, làm nhà máy điện, đều có trục trặc.
Rất có thể cùng một loại thiết bị đó nhưng làm ở nước họ, họ sẽ dùng thiết bị tốt nhưng đưa sang Việt Nam thì lại dùng loại không tốt.
Cho nên phải mời các chuyên gia về cơ khí, máy móc thiết bị nhìn đánh giá là biết, các thiết bị cả công nghệ, tiềm ẩn nguy cơ gì, gây ra sự cố như thế nào, cần đóng góp ý kiến.
"Trong thời gian tới, chúng ta cần phối hợp với các cơ quan quản lý và địa phương tiến hành thanh tra, quan trắc môi trường thường xuyên để người dân không phải sống trong lo sợ.
Đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc, chứ không phải như trước đây xảy ra sự cố mới lo xử lý, mất bò mới lo làm chuồng.
TKV không được chủ quan, tin vào lời hứa của bên cung cấp thiết bị, công nghệ Trung Quốc. Bây giờ càng cần các nhóm chuyên gia độc lập, những cảnh báo chuyên gia đưa ra trưcc đây đúng thì bây giờ càng cần đến họ.
Tôi tin rằng vỡi trách nhiệm, kiến thức họ sẽ giúp nhà nước có phương án xử lý cần thiết với hai dự án này", ông Liêm khẳng định.
Lời thẳng về 2 dự án bauxite: Nỗi lo sự cố \'\'Nguyên lý cơ bản thì ai cũng có thể nói được, nhưng quan trọng hơn đi vào cụ thể để đưa ra lời cảnh báo ... |
Báo cáo toàn diện dự án bauxite: Phải lưu ý những gì? Với báo cáo toàn diện về dự án bauxite Tây Nguyên, vị chuyên gia cho rằng điều này thể hiện sự tôn trọng đối với các nhà khoa học. |