“Các hình thức huy động vốn như BOT, PPP đã giúp Quảng Ninh giảm gánh gặng ngân sách, phát triển mạnh mẽ hạ tầng”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ông Vũ Văn Diện chia sẻ.
Diện mạo hạ tầng thay đổi
- Những năm gần đây Quảng Ninh đã nổi lên như một điểm sáng trong phát triển hạ tầng giao thông. Những công trình, dự án trọng điểm mà Quảng Ninh đã hoàn thành thời gian qua là gì, thưa ông?
Thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, mang tính bước ngoặt.
Chỉ tính từ 2010 đến nay, những dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng đã được triển khai, từng bước thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông tỉnh nhà. Có thể kể ra đây dự án nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long – Uông Bí, Hạ Long - Mông Dương, Mông Dương - Móng Cái; nâng cấp QL18C đoạn Tiên Yên - Hoành Mô, đường tỉnh 340, 329, đường vành đai phía Bắc TP Hạ Long, QL18C, cảng Cái Lân…
Trong giai đoạn 2014 – 2015, Quảng Ninh đã khởi công nhiều dự án chiến lược như Sân bay Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn,… Riêng tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được tỉnh tập trung cao nhất mọi nguồn lực để triển khai.
Những công trình tiêu biểu của Quảng Ninh có thể kể ra đây là: Cảng hàng không Quảng Ninh - sân bay đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư. Cầu Bạch Đằng - công trình phức tạp và kỹ thuật khó đầu tiên hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam thực hiện. Tuyến cao tốc kết nối Quảng Ninh với tuyến cao tốc kéo dài từ Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ trở thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, đồng thời là hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc. Rồi cảng hành khách quốc tế Hòn Gai…
- Để có được những kết quả như trên, Quảng Ninh đã áp dụng kinh nghiệm gì, thưa ông?
Trước đây, khi kêu gọi nhà đầu tư, Quảng Ninh đã gặp rất nhiều trở ngại vì hạ tầng giao thông khó khăn. Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến Quảng Ninh khảo sát thị trường nhưng rồi đều rút lui. Mà một trong các nguyên nhân là do địa hình trải dài, giao thông còn bất cập, ảnh hưởng đến chi phí cũng như thời gian vận tải, giảm hiệu quả đầu tư.
Từ thực tế đó, tỉnh Quảng Ninh xác định, dù tạo được cơ chế mềm nhưng nếu hạ tầng cứng không đáp ứng yêu cầu thì sẽ rất khó thu hút các nguồn lực đầu tư. Khi hạ tầng giao thông của Quảng Ninh phát triển đồng bộ sẽ góp phần mở rộng không gian kinh tế, kết nối và thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh phát triển.
Để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó đi đầu là chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách. Các dự án giao thông được đầu tư đa dạng theo các hình thức BOT, PPP, ví dụ dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18, đoạn Hạ Long - Mông Dương có tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BOT, hay đoạn Vân Đồn - Móng Cái với chiều dài tuyến khoảng 91km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP)…
Quảng Ninh cũng xác định kêu gọi những nhà đầu tư lớn, uy tín, tiềm lực mạnh để triển khai các dự án quy mô, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư khác. Chúng tôi đã chọn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược, với việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, rồi nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng, hạ tầng khác.
Quảng Ninh cũng có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ trong công tác giải phóng mặt bằng, để các dự án về đích đúng tiến độ.
Ông Vũ Văn Diện- Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh
BOT: Lời giải cho bài toán giao thông
- Quảng Ninh là điểm sáng về những sáng kiến phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Nổi bật nhất là đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, như Cảng hàng không, đường cao tốc, với nhiều hình thức huy động vốn khác nhau để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, BOT, PPP. Vậy ông có thể chia sẻ kỹ hơn về những việc này?
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh xác định Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là hai điểm đột phá trong chiến lược phát triển, tăng trưởng dịch vụ, phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Quảng Ninh sẽ có cơ cấu dịch vụ đi đầu và là một trong những đầu tàu của các tỉnh phía Bắc.
Với mục tiêu này, Quảng Ninh xác định hoàn thiện hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, là một trong những đột phá chiến lược. Quảng Ninh đã sớm xác định phải huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển để giảm gánh nặng ngân sách. Tỉnh đã chủ động đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương để Quảng Ninh huy động nguồn lực đầu tư với nhiều hình thức khác nhau như, BOT, PPP…
Ví dụ, tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh Bắc Bộ, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh là dài nhất, nhưng lại đang được triển khai thuận lợi, không gặp nhiều vướng mắc nhờ huy động tốt nguồn lực đầu tư. Hay tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trước đây, tuyến đường này không có trong quy hoạch, nhưng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, tỉnh đã dành một phần ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư cho tuyến đường 25 km này, trong đó có cầu Bạch Đằng làm theo hình thức BOT với nguồn vốn khoảng 7.500 tỷ đồng, đường nối 20 km từ cầu Bạch Đằng đến TP. Hạ Long khoảng 6.500 tỷ đồng.
Dự án Đường cao tốc nối từ Hạ Long ra Vân Đồn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 18A từ 2 làn xe lên 4 làn xe đoạn từ Hạ Long đi Mông Dương. Dự án có tổng nguồn vốn khoảng 14.000 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT, nguồn lực giải phóng mặt bằng từ ngân sách tỉnh khoảng trên 2.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó là tuyến đường bộ cao tốc nối Vân Đồn với Móng Cái dài khoảng 80 km, quy mô 4 làn xe.
Được sự hỗ trợ của trung ương và nhận thức rõ vị trí quan trọng của kết nối giao thông trong việc phát huy thế mạnh của địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thuận lợi giải pháp chiến lược, kêu gọi các nguồn lực đầu tư để tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc về nguồn vốn, thúc đẩy các dự án đầu tư cho hạ tầng hoàn thành đúng tiến độ, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và sớm đưa vào sử dụng.
Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, thì giải pháp đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân là hết sức cần thiết, đồng thời là giải pháp tối ưu giúp giảm áp lực lên ngân sách, thúc đẩy các dự án hạ tầng được triển khai thuận lợi, chất lượng, đúng tiến độ.
Hà Nội xén dải phân cách giao thông: Xén xong vẫn tắc, lấy gì xén tiếp? UBNDTP.Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường vành đai 3, ... |
Hỗn loạn giao thông cận tết Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2018, giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM liên tục ùn tắc, ... |