Người dân ở xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hoà Bình phản ánh, từ hôm 8 và 9.10 đã ngửi thấy mùi khét lẹt do dầu tràn xuống suối. Trước tình trạng đó, người dân ở xã và các xã lân cận đã được thuê đi vớt dầu với giá 500.000 đồng/ngày.

Đáng chú ý, xã Phú Minh chính là địa phận đặt nhà máy nước sạch sông Đà. Đây là đơn vị cấp nước nguồn - bị phản ảnh là có mùi "khét lẹt" - cho nhiều khu vực ở Hà Nội.

Được thuê đi làm nhưng không biết rõ là làm gì

Phóng viên Báo Lao Động có tại Phú Minh, Kỳ Sơn trong sáng 14.10. Cách nhà máy nước chừng 4km, một mùi khét bốc lên khiến những chiếc khẩu trang trở nên vô dụng. Người dân sinh sống quanh khu vực này cho biết, từ tối 8.10, quanh khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước Sông Đà xuất hiện một mùi khét, suối đặc kén dầu đã qua sử dụng. Theo người dân, ngay hôm sau họ đã được thuê để vớt dầu, khoảng 50 người tham gia vào công việc này.

loi ke cua nhung nguoi duoc thue vot dau ban o dau nguon nuoc song da
Khu vực dầu tràn được ghi nhận sáng 14.10.

Bà Đ.T.L năm nay hơn 50 tuổi – một trong những người được thuê vớt dầu cho biết, hôm đó bà và chị gái được một người quen gọi đi làm. Công việc được mô tả chỉ là dọn cỏ, phát quang quanh suối, xã của bà có 15 người trong tổng số 50 người tham gia công việc này. Tuy nhiên khi đi gần đến con suối thì bà và mọi người đều bất ngờ, một mùi khét lẹt, nồng nặc khó ngửi bốc lên, buồn nôn khó chịu, bà L và mọi người chỉ được phát một chiếc khẩu trang, ngoài ra không có đồ bảo hộ gì thêm.

“Sáng hôm đó đã có người đi trước nói rằng được trả 300.000 một ngày, giá này thì không làm được, không làm nổi. Đến chiều được trả lên 500.000 đồng chúng tôi mới rủ nhau đi. Lên đến nơi tôi thấy một màu đen quánh 2 bên bờ suối, chỗ nào bị lẫn cả cây cỏ thì dầu đặc quánh lại từng tảng. Phụ nữ chúng tôi còn hay mang bên người ủng, găng tay chứ cánh đàn ông thì không có gì, tay không bốc dầu. Lên đến nơi người yếu thì phát quang, phát cỏ, người khoẻ thì vớt dầu. Chúng tôi vớt dầu vào từng chiếc can 20l, can đựng không hết thì cho vào tải”.

Bà L cho hay, khi cho dầu vào can dù miệng phễu rất to nhưng dầu không thể chảy xuống do đặc quánh, phải dùng que để thọc vào.

Cái giá của 500.000 đồng

Đến thời điểm hiện tại, mưa đã cuốn trôi gần hết dầu đen trên các suối, tuy nhiên trên đầu nguồn, mùi khét chỉ giảm bớt. Người Sau một buổi chiều làm công việc vớt dầu, bà L cho hay về đến nhà rất nhiều người ốm, mệt, cúm. Có người đi làm về bị dị ứng, sưng hết mắt.

“Chúng tôi dùng tay bốc dầu vào tải, găng tay bở nát, không biết là dầu gì, về đến nhà phải vứt bỏ hết quần áo. Mùi không thể chịu nổi, tôi rửa bao nhiêu xà phòng, rượu thuốc, xịt cả nước hoa lên cũng không hết được mùi” – bà L cho biết.

loi ke cua nhung nguoi duoc thue vot dau ban o dau nguon nuoc song da
Khu vực dầu tràn đầu nguồn con suối đến nay vẫn một màu đen kịt.

Cũng cùng được thuê như bà L, bà Đ.T.N mô tả, giờ này có trả cho tôi 1 triệu/ngày tôi cũng không bao giờ làm.

“Về nhà hắt hơi sổ mũi tôi cũng chỉ tự biết đi mua thuốc về uống chứ không biết kêu ai. Không biết bao nhiêu lượt rửa mà không hết mùi, đi đến đâu thì nhà mình bốc mùi đến đó. Tay cầm bát cơm lên mà mùi dâng lên mũi, tôi nói với cả nhà chắc không nuốt được cơm đâu, phải đi lấy rượu thuốc bôi vào tay để át mùi để ăn bát cơm, nhưng bay hết mùi rượu thì mùi khó chịu của dầu lại dâng lên nồng nặc” - bà N nói.

Như Lao Động đã đưa tin, người dân sinh sống tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức... đang lo lắng khi nước sinh hoạt bốc mùi lạ vì chưa rõ tình trạng nước bốc mùi lạ như thế này có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không.

/ laodong.vn