Những ngày gần đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật liên tiếp xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự một số người do có hành vi tung tin không có cơ sở, thiếu chính xác, sai sự thật, phát ngôn trên mạng xã hội. Sự “lộng ngôn” của họ không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của những người bị họ “điểm tên, chỉ mặt” mà còn khiến dư luận bức xúc.    

 
Ngày 14/4/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đặng Như Quỳnh (SN 1980, trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, lao động tự do) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, thời gian qua, Đặng Như Quỳnh đã có hành vi đăng tải các thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội Facebook có hàm ý một số cá nhân là đại diện của các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị bắt, xử lý hình sự, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư.

Theo đó, từ tháng 2/2020 đến tháng 3/2022, chủ Facebook Đặng Như Quỳnh trực tiếp đăng tải gần 300 bài viết liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước. Trung bình mỗi bài viết có từ vài trăm đến hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận, trở thành điểm nóng, nguồn phát tán thông tin thất thiệt thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trên mạng xã hội thời gian qua.

Bi_can_Dang_Nhu_Quynh-1651024350939
Bị can Đặng Như Quỳnh và Nguyễn Phương Hằng.
 

Ngày 24/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, đồng thời khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, trú tại phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi trên.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Hiện, Công an TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng, chiều 22/4, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương đã thụ lý điều tra đơn tố giác tội phạm của 6 cá nhân (gồm ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, ông Công Vinh, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển và bà Đinh Thị Lan) tố cáo Nguyễn Phương Hằng về hành vi đưa tin sai sự thật, vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân… để “bóc phốt”, tố cáo nhiều người trong giới nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện trong quá trình kêu gọi góp tiền từ thiện vào tài khoản cá nhân, nhưng chi ra không minh bạch.

Nguyễn Phương Hằng còn  thách thức, treo giải thưởng để các nghệ sĩ công bố sao kê... Điều đáng nói là những lời tố cáo, buộc tội của Phương Hằng lại thiếu chứng cứ do chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, thậm chí Nguyễn Phương Hằng còn dùng những lời lẽ khó nghe để mạt sát người mà bà ta nhắc đến.

Trước đó, tháng 4/2021, Nguyễn Phương Hằng từng bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì  liên quan đến thông tin làm tổn hại uy tín của UBND tỉnh Bình Thuận và cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Tháng 7/2021, MC Trác Thuý Miêu cũng bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì đăng nội dung có dấu hiệu kích động, gây mâu thuẫn, hoang mang trong nhân dân về việc đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên y tế từ Hải Dương đến TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch. Tháng 3/2021, YouTuber Thơ Nguyễn cũng bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng do cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy mê tín dị đoan khi làm video “xin vía” từ búp bê nhảm nhí, độc hại khiến dư luận bức xúc...

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, mọi tài khoản mạng xã hội, mọi hành vi đưa tin thiếu kiểm chứng trên không gian mạng đều đang được lực lượng công an rà soát. Những đối tượng, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ có những hình thức xử lý nghiêm minh theo đúng quy định.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc tung tin đồn hiện nay thường thể hiện dưới dạng hành động đăng tải bài viết, hình ảnh sai sự thật về người khác lên mạng xã hội (như facebook, zalo...). Khoản 1, Điều 34 Bộ luật Dân sự quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tùy mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả không nghiêm trọng thì chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Về trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ hành vi cụ thể thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về các tội: vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Về trách nhiệm dân sự, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác). Trong đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này còn phải bồi thường cho người bị xâm phạm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Nguyễn Hưng / CAND