Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024-2025. Năm nay toàn thành phố có hơn 105.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ tiêu vào các trường công lập chỉ xấp xỉ 61%.

Điều này cũng đồng nghĩa sẽ có hàng chục nghìn thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Vậy những học sinh trượt tất cả các nguyện vọng công lập, các em sẽ học ở đâu? Đây là mối quan tâm, lo lắng từ nhiều năm nay của các gia đình khi có con không đỗ vào lớp 10 công lập.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, nhiều năm nay, thành phố Hà Nội duy trì chủ trương bảo đảm chỗ học cho 100% học sinh tốt nghiệp THCS. Cùng với hệ thống các trường THPT công lập, trên địa bàn thành phố hiện còn có nhiều loại hình trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng học tập của học sinh gồm hơn 100 trường tư thục, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và gần 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tuyển học sinh lớp 10.

f2eee3b7-0b2b-4bc1-b919-d921c8a36b98.jpeg -0
Tìm chỗ học phù hợp khi con trượt công lập đang là nỗi lo của nhiều phụ huynh Hà Nội. Ảnh minh họa

Do đó, trong trường hợp không trúng tuyển lớp 10 trường THPT công lập, phụ huynh học sinh có thể tìm hiểu, đăng ký lựa chọn nguyện vọng dự tuyển vào nhiều loại hình trường khác, trong đó có trường tư thục hoặc trường công lập tự chủ tài chính hoặc “rẽ lối” sang trường nghề. Như vậy, xét về mặt lý thuyết, Hà Nội đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh tốt nghiệp THCS, song trên thực tế, hành trình tìm cho con chỗ học phù hợp sau khi trượt lớp 10 công lập không phải là chuyện dễ dàng với nhiều phụ huynh.

Chị B.T.M, phụ huynh có con thi vào lớp 10 ở quận Hoàng Mai cho biết, con trai của chị trượt tất cả các nguyện vọng vào lớp 10 công lập, thế nên gia đình chỉ còn lựa chọn cho con học trường tư thục. Tuy nhiên, để tìm một trường tư thục phù hợp với con và điều kiện kinh tế gia đình không phải dễ dàng. Lý do là hiện một số trường tư thục cho biết đã nhận đủ hồ sơ. Trong khi đó, nhiều trường tư thục sử dụng điểm thi vào lớp 10 để xét tuyển lấy mức điểm chuẩn khá cao, học phí cũng cao nên con và gia đình không thể đáp ứng. Một số trường tư thục có học phí thấp, điểm xét tuyển đầu vào dễ thì gia đình lại chưa thực sự yên tâm về chất lượng đào tạo và môi trường học tập. Anh Đ.C.T, phụ huynh có con thi vào lớp 10 tại quận Ba Đình cũng chia sẻ: Nhận thấy con có sức học vừa phải, khó có khả năng "bứt phá" ở giai đoạn tăng tốc nên trước khi diễn ra kỳ thi vào lớp 10, gia đình anh đã bàn bạc, thống nhất đăng ký cho con xét tuyển học bạ vào một trường tư thục gần nhà để con có điều kiện phát triển môn Tiếng Anh vốn là thế mạnh của con. Tuy nhiên, với thu nhập khiêm tốn của hai vợ chồng trong khi học phí trường tư lại cao nên hành trình nuôi con trong suốt 3 năm học THPT cũng không phải dễ dàng. “Muốn con không phải áp lực thì bố mẹ lại phải nhận áp lực về phía mình, đó là áp lực về kinh tế”, anh T cho biết.

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, thực hiện chủ trương phân luồng học sinh phổ thông, đặc biệt là bậc THCS theo Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ học sinh được vào lớp 10 THPT công lập tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường dao động trong khoảng từ 60-62%. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến cho cuộc đua vào lớp 10 công lập tại 2 thành phố này luôn căng thẳng và quyết liệt vì trung bình mỗi năm có khoảng 38-40% học sinh sẽ không có suất vào trường công. Theo các chuyên gia, việc phân luồng sau bậc THCS là chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước nhằm tăng cơ hội cho người học tìm kiếm các cơ hội học tập phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình cũng như cơ cấu lao động của địa phương. Tuy nhiên, công tác này trên thực tế chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng do việc tuyên truyền, tư vấn về hướng nghiệp trong nhà trường chưa thực sự đến được với phụ huynh và học sinh. Cùng với đó, chất lượng hệ thống các trường trung cấp nghề hiện nay nhìn chung vẫn còn chậm đổi mới, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi thực tế nên chưa tạo dựng được niềm tin, sự yên tâm đối với người học. Ngoài ra, một bộ phận phụ huynh hiện nay vẫn có tâm lý “ngại”, chưa sẵn sàng cho con học nghề. Còn với hệ thống các trường dân lập, nhiều phụ huynh bị rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi trường tốt thì học phí cao, nhiều gia đình không đủ điều kiện, còn những trường học phí vừa phải hoặc thấp thì không phải trường nào cũng có chất lượng tốt. Riêng đối với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, dù học phí thấp, số lượng môn học được giảm tải phù hợp với những học sinh có học lực yếu, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nhưng nhiều bậc phụ huynh lại e ngại môi trường học tập không tốt…

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục FPT cho rằng: Phân luồng hiện nay “tắc” ở chính cơ chế và niềm tin. Thực tế hiện nay nhiều gia đình không cam lòng để đứa con đang ở độ tuổi 15 đi học nghề, họ vẫn muốn con em mình được học tiếp, có cơ hội vào đại học, để đến khi 18 tuổi nếu không đỗ đại học thì cũng đủ chín chắn để bước vào học nghề. Chủ trương phân luồng không sai, nhưng thực trạng hiện nay cho thấy các trường trung cấp nghề  vẫn còn thiếu và yếu, từ đào tạo đến cơ sở vật chất, đầu ra không rõ ràng, từ đó mà thiếu đi niềm tin ở phụ huynh và học sinh. Trong khi đó, công tác hướng nghiệp hiện nay tại các trường THCS, nhất là đối với chương trình cũ rất thiếu và yếu. “Ở Việt Nam, thi cử định hướng học tập, chính vì vậy gần như từ lớp 8, học sinh chỉ tập trung vào 3 môn Toán, Văn, Anh, mọi hoạt động hướng nghiệp thông qua các môn học gần như xem nhẹ, nhà trường thì tập trung vào thành tích đỗ cấp 3 là chính, nhất là các trường công lập”, thầy Hiền cho hay.

Cũng theo chia sẻ của thầy Đinh Đức Hiền, đối với việc chọn trường cấp 3 hiện nay, yếu tố đầu tiên với phần lớn gia đình là kinh tế, nếu điều kiện kinh tế không đủ thì đừng nghĩ đến chuyện thích gì, năng khiếu gì. Do vậy, với gia đình không có điều kiện thì quyết định chọn trường thường không nằm ở phía phụ huynh học sinh dù ai cũng muốn con mình được hưởng đầy đủ những điều tốt đẹp nhất nhưng đôi khi “lực bất tòng tâm”. Những đứa trẻ sẽ không có cách nào khác là phải nỗ lực để giành 1 suất vào trường công, nếu không sẽ là trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề. Và các gia đình thiếu điều kiện cần xác định rõ điều này. Còn đối với các gia đình có điều kiện hơn, cũng sẽ có nhiều lựa chọn nếu con không đỗ công lập, đó là hệ thống các trường tư thục với nhiều hình thức và chất lượng khác nhau. 

Huyền Thanh / VTC News