Cụ tổ năm đời của tôi đậu phó bảng, làm quan nhiều nơi, song chưa bao giờ được bổ nhiệm làm quan ở nơi cụ sinh ra.
Cụ là Nguyễn Sỹ Ấn. Cụ thi đậu phó bảng năm Giáp Thìn - Thiệu Trị 4 (1844). Khoa thi này có 281 cử nhân cả nước hội tụ về Huế tham dự, nhưng chỉ lấy đậu 10 tiến sĩ, 15 phó bảng. Cụ là một trong 15 người thi đậu phó bảng năm đó. Sau kỳ thi, cụ được bổ nhiệm làm quan ở nhiều nơi như tri huyện Kim Thành (1846), tri huyện Bố Trạch (1847), tri phủ Kiến Thụy (1848), hàn lâm viện thị giảng (1852)... Điều đặc biệt là cụ chưa bao giờ được bổ nhiệm làm quan ở quê nhà. Chỉ khi mất, thi thể cụ mới được đưa về an táng ở quê, nay là Thanh Lương, Thanh Chương, Nghệ An.
Không bổ nhiệm làm quan ở quê nhà là một cách áp dụng Luật Hồi tỵ nghiêm ngặt hơn dưới thời nhà Nguyễn. Luật Hồi tỵ, sử dụng cách diễn đạt hiện đại, là luật né tránh xung đột lợi ích. Những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê... không được làm cùng một chỗ. Luật Hồi tỵ được ban hành đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497). Dưới thời Minh Mạng (1791-1841), Luật này còn được bổ sung thêm nhiều quy định nghiêm ngặt hơn. Trong đó có quy định quan lại không được làm quan ở chính quê mình, quê vợ, thậm chí cả ở nơi đi học lúc còn trẻ. Tìm hiểu gia phả, tôi nhận ra rằng, tránh xung đột lợi ích trong việc thực thi công vụ là một nguyên tắc được cha ông ta hết sức coi trọng.
Ngày nay, chủ trương luân chuyển cán bộ của Đảng và Nhà nước có lẽ cũng là một cách áp dụng Luật Hồi tỵ trong tình hình mới. Bộ Công An mới đây thực hiện rất hiệu quả chủ trương này. Trước đại hội Đảng bộ của các tỉnh, hàng loạt các giám đốc sở công an đã được điều chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Ở mức cao hơn, một số các bí thư tỉnh ủy cũng đang được Bộ Chính trị luân chuyển giữa các tỉnh. Chủ trương này chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng quản trị công của đất nước. Đặt biệt, khi luân chuyển cán bộ nhắm một lúc vào cả hai mục đích: không để các cán bộ lãnh đạo giữ chức tại quê hương mình; không để họ tại vị ở một nơi quá lâu.
Trước hết, việc luân chuyển cán bộ giúp bảo đảm nguyên tắc hồi tỵ - nghĩa là không để xảy ra xung đột lợi ích trong thực thi công vụ. Nắm giữ quyền lực công là để phục vụ lợi ích công. Tuy nhiên, sử dụng quyền lực công vì mục đích tư lại rất dễ xảy ra.
Vừa qua, ở không ít địa phương và bộ ngành, hiện tượng cất nhắc, đề bạt con cháu, người thân của lãnh đạo xảy ra khá phổ biến. Việc này vừa ảnh hưởng tiêu cực đến sự chính danh của chính quyền, vừa làm cho quản trị công kém hiệu quả. Lý do là vì người tài đã không còn cơ hội để được lựa chọn. Cho dù các trường hợp đề bạt nói trên có đúng quy trình đến đâu đi chăng nữa, chắc chắn chúng đều vi phạm Luật Hồi tỵ.
Thứ hai, việc điều chuyển cũng cắt đứt mối quan hệ thân hữu có thể đang tồn tại. Đầu tư vào quan hệ để làm ăn là một thực tế nhức nhối hiện nay. Đã làm lãnh đạo của một địa phương thì rất nhiều người sẽ tìm cách xác lập quan hệ thân hữu để làm ăn. Hiện tượng ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp sân sau, hiện tượng bảo kê cho nhà hàng, khách sạn... kinh doanh bên kia lề của pháp luật xảy ra được chính là nhờ kiểu quan hệ này. Cắt đứt được quan hệ thân hữu mới chống được tham nhũng, mới bảo đảm được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.
Thứ ba, việc luân chuyển giúp cho lãnh đạo mới có vị thế để tiến hành các cải cách cần thiết và áp đặt các chuẩn mực mới. Lãnh đạo mới rõ ràng ít bị vướng mắc về quan hệ, về những lề lối, những cách thức đã tồn tại trước đây. Ngoài ra, người mới cũng có động lực mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định mình trên cương vị và trong môi trường mới.
Thật ra, mỗi tấm huy chương đều có hai mặt. Bên cạnh những ưu điểm nói trên, việc luân chuyển cán bộ cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất, luân chuyển cán bộ là tập trung quyền lực cho trung ương. Vậy thì, tập quyền cho trung ương tốt hơn hay phân quyền cho địa phương tốt hơn? Thực ra, không có một câu trả lời chung chung là cái gì tốt hơn hay xấu hơn ở đây.
Theo văn hóa và tư duy của phương Tây thì phân quyền cho địa phương tốt hơn. Các nước phương Tây thậm chí còn đề cao nguyên tắc tự quản địa phương. Tuy nhiên, các nước phương Đông lại coi trọng tập quyền cho trung ương. Phân quyền cho địa phương quá lớn bị coi là làm phân tán quyền lực và thúc đẩy xu thế ly khai. Với truyền thống văn hóa của người Việt, có vẻ tập quyền cho trung ương sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Theo TS Phạm Duy Nghĩa, tập quyền cho trung ương sẽ bảo đảm sự phát triển nhanh chóng và vững mạnh hơn cho đất nước. Thành tựu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang ủng hộ cho quan điểm này. Nhờ sự sáng suốt và quyết đoán của trung ương, cả hệ thống đã phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trong việc chống lại đại dịch.
Tuy nhiên, đây là vấn đề chúng ta sẽ còn phải tiếp tục tranh luận dài dài. Và việc phân quyền hay tập quyền nhiều hơn còn phụ thuộc vào trình độ của mỗi giai đoạn phát triển đất nước.
Thứ hai, tình yêu quê hương xứ sở là một động lực to lớn để cống hiến. Luân chuyển có thể triệt tiêu động lực này. Giải pháp ở đây là, khi một động lực bị suy giảm phải tạo ra động lực mới lớn hơn.
Động lực mới đó là: đề bạt lên cao hơn nữa theo thành tích. Cán bộ nào đưa được địa phương, ngành phát triển nhanh hơn, chất lượng hơn sẽ được đề bạt cao hơn. Đây là cách lựa chọn người tài đáng tin cậy hơn bầu cử rất nhiều. Tất cả cả các nước lựa chọn người tài theo cách này đều có sự phát triển vượt bậc mà các nước khác khó lòng theo kịp. Tuy nhiên, để lựa chọn người tài thì phải luân chuyển làm chức trưởng. Làm trưởng mới quyết được. Mà như vậy thì đo đếm thành tích cũng mới chính xác, khách quan. Nếu chỉ luân chuyển chức phó thì rất dễ xảy ra chuyện ngồi chơi xơi nước cho hết ngày, hết tháng. Như vậy vừa lãng phí nguồn lực, vừa làm thui chột cán bộ.
Thứ ba, với nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cán bộ luân chuyển sẽ rất khó phát huy tác dụng nếu không được cấp ủy địa phương ủng hộ. Vấn đề này chắc chắn cần được xử lý trong quá trình hiệp thương để luân chuyển cán bộ. Tuy nhiên, cán bộ lãnh đạo được luân chuyển cũng cần chủ động trao đổi ý kiến, dân chủ bàn bạc trước khi ban hành quyết định. Những quyết định đúng đắn, công tâm chắc chắn sẽ được ủng hộ. Một quy trình làm việc dân chủ, công khai và khoa học chắc chắn sẽ tạo ra sự đoàn kết, nhất trí.
Cuối cùng, tuy luân chuyển cán bộ rất cần thiết nhưng không phải với tất cả các nhóm cán bộ. Luân chuyển chỉ nên áp dụng cho cán bộ ở tầm chính khách và những người đứng đầu các cơ quan nắm giữ quyền lực công. Những cán bộ chỉ cung cấp dịch vụ công hoặc đảm nhận các công việc thiên về chuyên môn thuần túy không nhất thiết phải được luân chuyển.
Nguyễn Sĩ Dũng