“Trong trường hợp kết luận cục Đường thủy nội địa Việt Nam có lập “quỹ đen” thật thì trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về người đứng đầu của cơ quan này và những người có liên quan”.
Ngay sau khi báo chí đăng tải thông tin về “nghi án” cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập “quỹ đen”, cục Đường thủy nội địa đã tổ chức một cuộc họp và ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 3/8) đối với ông Vũ Mạnh Hùng - quyền Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư và ông Nguyễn Xuân Hồng, chuyên viên phòng Kế hoạch - Đầu tư.
Hai cán bộ cục Đường thủy bị đình chỉ để xác minh nghi vấn lập "quỹ đen".
Riêng ông Phạm Văn Thông - nguyên Trưởng ban Quản lý dự án (trước đây thuộc Cục, nay đã sáp nhập về ban Quản lý dự án đường thuỷ nội địa thuộc bộ Giao thông vận tải), do là người đơn vị khác quản lý nên Cục không có thẩm quyền xử lý.
Vụ việc nói trên được cho là thực hiện trong năm 2015 - 2016, thu vào thời điểm hoàn tất hồ sơ quyết toán, giải ngân toàn bộ ngân sách. Một số cá nhân đã thu 5-20% để lập “quỹ đen” từ các gói thầu các công trình do ban Quản lý dự án đường thủy nội địa và các dự án do Cục làm chủ đầu tư như dự án nạo vét, phá đá, rà phá bom mìn, khảo sát thông báo luồng…
Cho quan điểm về vụ việc này, luật sư Nguyễn Trung Tiệp – công ty Luật TNHH Dragon (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nói: Nếu theo thông tin báo chí phản ánh là đúng sự thật, thì việc lập quỹ đen của các cán bộ trong cục Đường thủy có tính hệ thống. Từ sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên, các cá nhân phân công, bàn bạc cử ra thủ quỹ riêng thu từ 5% - 20% của các đơn vị/doanh nghiệp nếu trúng thầu phải trích nộp một phần tiền trở lại cho chủ đầu tư.
Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – công ty Luật TNHH Dragon (đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
“Điều này cho thấy các công ty đã phải chấp nhận “đi đêm”, trích ra một phần lợi nhuận trong gói trúng thầu để nộp cho chủ dự án các công trình nạo vét phá đá, rà phá bom mìn, khảo sát thông báo luồng… do ban QLDA và cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư. Đây có thể coi là luật bất thành văn, thỏa thuận ngầm giữa các bên với nhau”, luật sư Tiệp nêu quan điểm.
Thứ hai, với những chứng cứ, tài liệu mà báo chí đã xác minh, thu thập được từ những công trình mà các công ty trúng thầu đến nộp vào “quỹ đen” cho cục Đường thủy nội địa, luật sư Tiệp cho rằng đây có thể là những chứng cứ dùng làm bằng chứng chứng minh sai phạm của cơ quan này.
Thứ ba, về quá trình thu quỹ, luật sư Tiệp nói: Sự việc lập và thu “quỹ đen” của cục Đường thủy nội địa (thuộc bộ Giao thông vận tải) đã xảy ra từ năm 2015 đến nay nhưng giờ mới bị phát hiện, chứng tỏ có sự bao che cho nhau trong nội bộ cơ quan này.
Có thể thấy, “quỹ đen” được lập rất tinh vi và được hợp thức hóa bởi có sự thỏa thuận từ trước về việc thu phần trăm khi các công ty trúng thầu với chủ đầu tư. Sau đó số tiền “quỹ đen” này được chủ đầu tư đối trừ từ 5-20% nếu công ty đó trúng thầu, số tiền này phụ thuộc vào các gói thầu lớn hay nhỏ.
Thứ tư, việc sử dụng “quỹ đen” ở cục Đường thủy nội địa chủ yếu phục vụ cho các công việc đi ngoại giao, thanh toán công tác phí, đi quà sinh nhật cho các sếp trên… “Quỹ đen” được lập từ việc nhận tiền chạy dự án của các công ty trong quá trình đấu thầu. Đáng lẽ khoản này phải được báo cáo tài chính, đưa vào Ngân sách Nhà nước, sử dụng đúng mục đích nhưng lại bị thu chi sai nguyên tắc, làm ảnh hưởng đến ngân sách của ngành giao thông và Nhà nước”, luật sư Tiệp nêu quan điểm.
Từ đó, với tư cách là một chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, căn cứ vào các quy định của pháp luật, luật sư Tiệp cho rằng nếu vụ việc được các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật thanh tra, kết luận cục Đường thủy nội địa Việt Nam có lập “quỹ đen” thật thì trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về người đứng đầu của cơ quan này và những người có liên quan.
"Trong trường hợp này, những cá nhân có hành vi vi phạm nếu thuộc đối tượng Đảng viên, cán bộ, công chức sẽ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền. Bộ Giao thông vận tải có thể sẽ tiến hành đình chỉ công tác Đảng, chức vụ với những người lập và sử dụng “quỹ đen” trái pháp luật. Chưa kể, khi các cơ quan tố tụng vào cuộc điều tra, xác minh có thể ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về các tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); tội Nhận hối lộ và tội Đưa hối lộ theo Điều 354 và Điều 364, BLHS năm 2015", luật sư Tiệp nêu quan điểm.
Tạm đình chỉ 2 cán bộ nghi án Cục Đường thủy lập quỹ đen Liên quan đến nghi án lập quỹ đen, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cho biết, cơ quan ... |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Làm rõ nghi vấn Cục Đường thủy lập quỹ đen Trước phản ánh về việc đơn vị trúng thầu phải cắt lại 5-20% giá trị gói thầu làm “quỹ đen” tại Cục Đường thuỷ nội ... |