Trước đây, nhiều thôn, xã, hợp tác xã… trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tự ý giao, bán đất cho người dân, dẫn tới không ít hệ lụy xấu. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, song việc xử lý vẫn còn phức tạp, nhiều vụ việc tồn đọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Luật Đất đai (sửa đổi) đã có các quy định mới tháo gỡ vấn đề này, đang được kỳ vọng sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại trên.
- Chuẩn bị đủ điều kiện để Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7
- Luật Đất đai sớm có hiệu lực sẽ cắt cơn 'sốt giá' bất động sản
Khó trong công tác quản lý, sử dụng
Theo quy định của Luật Đất đai, đất giao không đúng thẩm quyền là các trường hợp người đứng đầu điểm dân cư giao đất hoặc UBND cấp xã giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng nhưng đã tự phân phối, bố trí cho cán bộ, công nhân viên, xã viên để sử dụng làm nhà ở và các mục đích khác.
Tại huyện Ba Vì, tình trạng đất giao trái thẩm quyền qua các thời kỳ rất nhiều, đa dạng và đến nay hầu hết chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”). Theo Chủ tịch UBND xã Vật Lại Nguyễn Ngọc Tú, xã có hơn 300 trường hợp giao đất trái thẩm quyền và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng. Các trường hợp này đến nay vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”.
Tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, có 20 hộ dân mua đất giãn dân trong thời gian từ năm 1983 đến năm 2000, đang gặp vướng mắc về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở và cấp “sổ đỏ”. Mặc dù việc mua bán diễn ra đã lâu, người dân sử dụng ổn định, không có tranh chấp, xã cũng đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện xem xét, xử lý và hướng dẫn người dân hoàn tất thủ tục pháp lý, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết cấp “sổ đỏ” cho các hộ.
Tương tự, các địa phương khác như huyện: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất... cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề đất giao trái thẩm quyền. Ông Trần Văn Thái, ở thôn Tư Sản, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) chia sẻ: "Năm 1995, UBND xã Phú Túc có chủ trương thành lập khu thị tứ và xây dựng khu dân cư mới. Khi đó, các hộ dân trong xã có nhu cầu đều đăng ký và tham gia bốc thăm mua đất phân lô. Ai bốc trúng thì nộp tiền, thực hiện nghĩa vụ tài chính với chính quyền địa phương. Song, đã gần 30 năm trôi qua, tôi và hàng trăm hộ dân khác vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”…".
Chủ tịch UBND xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) Đặng Quang Duy cho biết, trên địa bàn xã có nhiều trường hợp đất giãn dân và mua, bán đất qua các thời kỳ chưa được cấp “sổ đỏ”, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn trong quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng các dự án, cũng như quản lý trật tự xây dựng...
Hướng mở giúp tháo gỡ khó khăn
Để tháo gỡ khó khăn cho loại hình đất giao trái thẩm quyền, Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những quy định cụ thể về từng mốc thời gian.
Cụ thể, đất sử dụng ổn định trước ngày 15-10-1993; từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004; từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-7-2014 đều được cấp “sổ đỏ”, nếu đáp ứng các điều kiện: Không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện và có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền sử dụng đất... Đối với đất cấp sai thẩm quyền sau ngày 1-7-2014, việc cấp “sổ đỏ” không được thực hiện, trừ khi đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch và có đầy đủ các giấy tờ, biên lai chứng minh việc nộp đầy đủ thuế và tiền sử dụng đất từ năm 2014 đến nay.
Tuy nhiên, để những quy định này đi vào cuộc sống, rất cần những hướng dẫn cụ thể để các địa phương dễ thực hiện. Bà Nguyễn Thị Thơm có đất được giao trái thẩm quyền ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông cho rằng, việc giao đất đã diễn ra từ lâu, nên nhiều hộ dân đã bị thất lạc biên lai thu tiền, quyết định giao đất, dẫn tới khó khăn trong việc chứng minh quyền sử dụng đất.
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa Dương Tuấn Anh, để tạo điều kiện cho người dân, chính quyền địa phương cần rà soát lại hồ sơ lưu trữ, phối hợp với người dân đo đạc, đánh giá lại hiện trạng theo khu vực hoặc nhóm đối tượng, giúp người dân dễ dàng đáp ứng yêu cầu về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giảm bớt thủ tục hành chính.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, đất giao trái thẩm quyền có nhiều nguồn gốc và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong nhiều giai đoạn, dưới nhiều hình thức khác nhau, không phải địa phương nào cũng thu tiền mặt. Nhiều nơi còn được quy thành thóc, công lao động hoặc giao cho các gia đình chính sách, người có công… (miễn nghĩa vụ tài chính), dẫn đến khó khăn trong xác định và việc xử lý vượt thẩm quyền của địa phương. Do vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét và hướng dẫn cụ thể hơn đối với nhóm đối tượng này.
Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Phùng Quang Huy cho biết, để tháo gỡ những tồn tại, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường đến từng xã hướng dẫn thực hiện những vấn đề thuộc thẩm quyền. Song, việc giao đất trái thẩm quyền có nhiều trường hợp đặc thù, công tác quản lý đất đai mang tính lịch sử, thời điểm... Nên khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, các địa phương rất mong Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan có hướng dẫn, thống nhất phương án thực hiện.
Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất giao trái thẩm quyền không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Tuy nhiên, để Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh những hướng dẫn cụ thể, cần có cả sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và người dân.