Đề tài luật sư có bị buộc phải tố giác tội phạm đối với thân chủ của mình hay không đã được bàn cãi nhiều. Đề tài này tiếp tục được nhiều người quan tâm trong vụ án Hồ Duy Hải.
Trong bài viết “Vì sao luật sư toà sơ thẩm không "cãi" cho Hồ Duy Hải vô tội?” trên Lao Động ngày 8.5, tác giả có nêu ý kiến chia sẻ của
ông Đặng Văn Xướng – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Long An: Theo quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp luật sư, thì ngoài việc bảo vệ cho thân chủ của mình, các luật sư cũng phải có trách nhiệm bảo vệ lẽ phải, công lý, tôn trọng sự thật. Thậm chí, nếu trong quá trình làm nhiệm vụ, luật sư phát hiện chắc chắn thân chủ của mình phạm tội mà không tố giác tội phạm, luật sư có thể bị cho là vi phạm pháp luật.
Sau khi báo đăng đã nhận được nhiều ý kiến phản biện cho rằng không thể buộc luật sư tố giác tội phạm đối với thân chủ của mình. Được hỏi về vấn đề này, ông Xướng đề nghị người viết về đọc Bộ luật Hình sự năm 1999 (Điều 22) và Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 19) sẽ rõ.
Điều 22 (Không tố giác tội phạm) - Bộ luật Hình sự 1999 ghi rõ: 1. Người nào biết rõ tội phạm đang đựơc chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này; 2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật này.
Theo Điều này, chỉ có người thân (cha mẹ, vợ chồng…) mới được “giới hạn” tố giác tội phạm, nhưng cũng buộc phải tố giác trong trường hợp người thân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, giết người… Còn luật sư, phải tố giác tội phạm như mọi công dân khác.
Đến Bộ luật Hình sự 2015, luật sư được “giới hạn” tố giác tội phạm là thân chủ giống như người thân của người phạm tội. Theo đó (Điều 19), người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự (theo quy định tại khoản 1 Điều 19) trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Điều đó có nghĩa, luật sư phải tố giác tội phạm đối với thân chủ của mình trong trường hợp thân chủ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm…
Kỳ Quan
Gia đình Hồ Duy Hải tung chứng cứ ngoại phạm mới, tiếp tục kêu oan Luật sư đưa ra nhiều lập luận và chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải vô tội. |
Luật sư nói gì về phán quyết của TAND Tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải? Luật sư cho rằng, Hội đồng thẩm phán bác đơn kháng nghị của VKSND Tối cao chưa thật sự thuyết phục và sẽ tạo tiền ... |