Hiện tại ông Nguyễn Khắc Thủy đang rất yếu, chân đi không vững, hay bị tai biến nên khó đủ sức khỏe thi hành án.
Ông Thủy yếu đi không nổi
Ngày 1/6, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án phúc thẩm ngày 11/5 của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Ủy ban Thẩm phán quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù giam.
Theo đó với quyết định này, bản án sơ thẩm có hiệu lực và bị cáo Thủy phải thi hành bản án 3 năm tù.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 3/6, về bản án trên, Luật sư Phạm Xuân Hải - bào chữa cho ông Nguyễn Khắc Thủy cho biết:
“Gia đình ông Thủy cũng trao đổi với tôi bảo nếu bây giờ mà thi hành án ngay có khi chắc chết. Bởi vì, mấy ngày hôm nay, ông Thủy ăn uống không được, suy nghĩ nhiều, chỉ nằm một chỗ.
Bản thân ông Thủy rất nhiều bệnh, đã từng bị tai biến, đột quỵ hai lần, nhưng may là cũng đỡ rồi, nhưng sức khỏe vẫn yếu. Để ra tòa dự được buổi xét xử là phải uống rất nhiều loại thuốc, còn ở nhà là cứ nằm, đi lại không vững, đi một đoạn là ngã, nên tôi chưa biết thi hành án kiểu gì.
Ông Nguyễn Khắc Thủy sức khỏe đang rất yếu?
Ông Thủy vẫn đang tiếp tục làm đơn kiến nghị các nơi, kêu oan, mong sẽ không phải thi hành mức án này".
Bên cạnh đó, theo ông Hải, bản thân ông tin tưởng ông Thủy không có tội, bị oan, nên cũng rất muốn giúp đỡ ông Thủy kêu oan. Đơn giản, ông Thủy đã hơn 70 tuổi, ốm yếu đi còn không vững thì làm sao làm những việc xâm hại trẻ em được.
Theo vị Luật sư trên, gia đình ông Hải rất nghèo, phiên bào chữa phúc thẩm, công ty ông Hải làm miễn phí, ban đầu gia đình ông Thủy định không thuê Luật sư vì không có tiền, nhưng ông Hải thương nên làm miễn phí.
"Trong thời gian xử sơ thẩm ông Thủy đã rất yếu, tôi phải động viên rất nhiều, ông Thủy mới tích cực, cố gắng để đến. Ngay cả trong phiên xét xử, cũng không phải ông Thủy vênh mặt, chỉ là do góc chụp.
Tôi thấy buồn cho một ông già 80 tuổi, cái tuổi sức khỏe yếu thì làm gì còn nhu cầu nào", ông Hải nhận định.
Dễ xảy ra biến cố
Về việc thi hành án của ông Thủy, theo vị Luật sư trên, bản thân ông Thủy đang tiếp tục viết đơn kêu oan, sau đó, sẽ xin hoãn thi hành, khi nào khỏe thì mới chấp hành.
Còn nếu bây giờ cứ cố bắt thi hành án thì có khi xảy ra biến cố không lường trước được, hàng ngày đưa vào viện cấp cứu.
Trong khi, trước đó, trao đổi với Đất Việt, Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đầu tiên phải nhận định, việc tuyên phạt ông Thủy 3 năm tù giam là thỏa đáng.
Ông Nam chỉ rõ: "Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự năm 2015), người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi sức khỏe được hồi phục.
Việc xác định người bị bệnh nặng được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, cụ thể:
Người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ. Do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh.
Ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu...
Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.
Như vậy, việc xác định bệnh nặng phải trên cơ sở hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP nêu trên.
Khi xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, Tòa án phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng mà không căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe".
Với trường hợp ông Thủy có đưa ra tình trạng bệnh tật trong phiên tòa, nhưng để được hoãn thi hành án phạt tù phải có hồ sơ bệnh án, phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa của bệnh viện cấp tỉnh trở lên.
"Đặc biệt, chắc chắn không được dựa vào lời khai của bị cáo", Luật sư Nam nhấn mạnh.
Cũng theo Luật sư Đỗ Hải Bình - Đoàn Luật sư TPHCM, với việc kê khai bệnh tật, thì tùy theo Luật thì sẽ có một số trường hợp hoãn thi hành án như bị bệnh hiểm nghèo, phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi, hoặc đang thi hành một công vụ quan trọng thì được hoãn 1 năm.
Châu An
Bản án giám đốc thẩm có phải là cuối cùng? Một độc giả ở Hải Phòng thắc mắc rằng thường chỉ nghe có án sơ thẩm và phúc thẩm, không biết đến phiên giám đốc ... |
Vụ Nguyễn Khắc Thủy lĩnh 3 năm tù tội dâm ô trẻ: Nhẹ nhưng thỏa đáng Các luật sư cho rằng phán quyết hủy án treo của tòa cấp cao là hợp lý vì nằm trong thẩm quyền của cơ quan ... |