Đại diện văn phòng luật sư Luật Audier và Cộng sự cho biết phía nhà thầu TTCL đang chuẩn bị đơn khởi kiện chủ đầu tư - Vinachem để giải quyết bằng trọng tài tại VIAC (Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh).
Theo nguồn tin của PV, đại diện Công ty Luật Audier và Cộng sự vừa có văn bản gửi tới lãnh đạo Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) đề cập tới vụ tranh chấp giữa nhà thầu TTCL và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Theo đó, phía luật sư cho biết, bên nhà thầu TTCL thông báo rằng Vinchem vẫn từ chối chấp nhận việc nhà thầu chấm dứt hợp đồng có hiệu lực vào ngày 6.2.2018 và tiếp tục vi phạm nghĩa vụ của mình về chấm dứt, bao gồm nghĩa vụ về hoàn trả ngay lập tức bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho nhà thầu.
“Chúng tôi lấy làm tiếc việc chủ đầu tư (Vinachem – PV) tiếp tục hành động một cách không hợp lý khiến cho tất cả các bên liên quan đều không hoạt động hiệu quả và khiến cho việc thương lượng giải quyết tranh chấp trở nên khó thành công hơn”, đại diện văn phòng luật sư Audier và Cộng sự nói.
Theo đó, đại diện văn phòng luật sư này cũng cho biết phía nhà thầu cũng đang chuẩn bị đơn khởi kiện chủ đầu tư để giải quyết bằng trọng tài tại VIAC. Tuy nhiên nhà thầu vẫn tiếp tục sẵn sàng thương lượng với chủ đầu tư nhằm tìm giải pháp hữu nghị cho tranh chấp vì lợi ích hai bên.
Cũng theo đại diện văn phòng luật sư, sở dĩ văn bản này được gửi đến Cục hoá chất, Bộ Công Thương bởi đây là cơ quan chủ quản trực tiếp của Vinachem, có trách nhiệm giám sát, kiểm tra mức độ tuân thủ pháp luật, việc quản lý và sử dụng vốn, kế hoạch kinh doanh, phê duyệt về nguyên tắc các khoản vay, mua bán tài sản có giá trị bằng 50% vốn điều lệ của Vinachem trở lên…
Trước đó, đơn vị này đã đề xuất một cuộc gặp giữa Vinachem và TTCL cùng đại diện luật sư tại trụ sở chính của Vinachem nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Vinachem.
Theo tìm hiểu, Vinachem và phía nhà thầu TTCL (Thái Lan) đã từng hợp tác ở nhiều dự án. Tại dự án muối mỏ Kali của Vinachem tại huyện Nongbok (tỉnh Khammouan, Lào), sau khi được rầm rộ triển khai năm 2015, dự án này bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề về vốn cũng như công nghệ, thiết kế, thi công…
Ngày 27.6.2017, nhà thầu TTCL trong liên doanh đã có công văn gửi ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Vinachem và ông Nguyễn Huy Cương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt – Lào (Vinachemsalt), chủ đầu tư dự án Khai thác và Chế biến muối mỏ về việc chủ đầu tư dự án là Vinachemsalt liên tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng đã ký.
Theo công văn này, TTCL ngày 23.5.2017 đã có văn bản yêu cầu thanh toán cho phần tiến độ thi công của công ty trong 5 tháng cuối năm 2016 chưa được thanh toán cũng như quyền đòi bồi thường cho các khoản tài chính mà nhà thầu bị thanh toán chậm.
Công văn cũng cho thấy, dù nhà thầu có ý kiến bằng văn bản chính thức nhưng Vinachemsalt không phản hồi công văn của TTCL cũng như không tiến hành thanh toán cho nhà thầu theo quy định. Trong văn bản gửi đi, nhà thầu Thái Lan cũng yêu cầu chủ đầu tư thanh toán cho các tháng thi công thứ 13 đến tháng 17 theo tiến độ. Nếu quá thời hạn thanh toán, TTCL sẽ đưa vụ việc ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Sự việc được đẩy lên cao trào và ông Nguyễn Gia Tường đã phải ra công văn chỉ đạo Vinachemsalt phát hành thông báo tạm ngừng công việc đối với nhà thầu EPC và tạm ngừng hợp đồng đối với nhà thầu PMC thuộc dự án khai thác muối mỏ.
Được biết, dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào được xếp là dự án trọng điểm của Vinachem với tổng mức đầu tư 522,5 triệu USD, tương đương 10.900 tỷ đồng. Dự án còn phải tính thêm 307,6 tỷ đồng chi phí thăm dò đánh giá trữ lượng của mỏ. Tháng 8.2015, Vinachem đã ký hợp đồng EPC thi công với liên danh TTCL – K.UTEC – CECO với tổng giá trị hợp đồng 334 triệu USD, thời gian thi công 40 tháng. Ngày 13.9.2015, dự án được khởi công và chỉ hơn 1 năm sau đó rơi vào cảnh khó khăn do Vinachem bị thiếu vốn để triển khai.
Nhiều dự án đầu tư sang Lào, Campuchia có thể mất toàn bộ vốn Kiểm toán Nhà nước cho rằng nhiều dự án đầu tư sang Lào, Campuchia tự ý thực hiện khi khi chưa có bảo lãnh của ... |
Vinachem đang "ngập trong bể nợ" Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang ngập trong bể nợ với khoản nợ lên tới gần 8.600 tỉ đồng. Hiện Tập đoàn này ... |
Ngân hàng nào là chủ nợ lớn nhất của Vinachem? Vinachem đang chìm trong cảnh thua lỗ và ôm nợ khủng, trong đó Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đang là chủ nợ lớn ... |
Chủ tịch Vinachem - từ quản lý thua lỗ 4.200 tỷ tới \'cả nhà làm sếp\' Không chỉ mắc sai phạm nghiêm trọng trong quản lý khiến Vinachem mất 4.200 tỷ, ông Dũng còn bổ nhiệm người thân, quen giữ nhiều ... |