Sau 5 năm làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, mới đây, 300 trí thức trẻ của tỉnh Quảng Bình phải chấm dứt hợp đồng, do Tổng Kiểm toán Nhà nước không cho phép sử dụng ngân sách để chi trả cho việc này.
Sự việc này tiếp nối những sự việc tương tự được phát hiện và xử lý ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước; sau khi Bộ Nội vụ kiểm tra, yêu cầu tổ chức thi tuyển lại hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài các nhân viên làm việc trong cơ quan nhà nước, có rất nhiều giáo viên trong hệ thống giáo dục các tỉnh làm việc theo hợp đồng lao động. Họ được yên ổn làm việc, giảng dạy nhiều năm, chấp nhận đồng lương còm cõi (có giáo viên ở huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk sau khi trừ các khoản bảo hiểm, chỉ còn nhận hơn 500.000 đồng) để bằng lòng với danh phận. Không ít trường hợp mới đây tố giác với cơ quan chức năng về việc phải "chung chi" số tiền lớn từ hàng chục đến hơn trăm triệu đồng để được ký hợp đồng và vào biên chế.
Các địa phương nêu lý do cần người trong thời điểm đó và có chủ trương, có nguồn ngân sách. Nhưng còn rất nhiều câu hỏi cần đặt ra, như tại sao ký hợp đồng với quá nhiều người, cao hơn hẳn so với nhu cầu thực tế, để rồi đẩy ra với lý do "không còn nhu cầu"? Tại sao khi làm những việc này, các sở nội vụ, sở giáo dục - đào tạo, các cơ quan chuyên môn không tham khảo ý kiến của các ngành chức năng như kiểm toán, nội vụ; hay có nắm được mà làm ngơ, tự cho mình quyền tự quyết sau khi được HĐND thông qua?...
Vậy hàng ngàn lao động, giáo viên phải rời chỗ làm là lỗi do ai? Câu trả lời: Lỗi không phải do người lao động, giáo viên. Nếu đổ lỗi cho họ thì họ chỉ có "lỗi" là khao khát được làm việc, muốn đóng góp công sức, trí tuệ cho quê hương, muốn yên ổn chỗ làm, nỗ lực khẳng định bản thân và chăm lo cuộc sống gia đình… Nay trở về lại điểm xuất phát ban đầu, làm lại từ con số không, quả là đau xót.
Dĩ nhiên, họ phải tìm công việc khác, dù sớm hay muộn. Sự sòng phẳng của thị trường lao động sẽ chọn lọc, tiếp nhận, đòi hỏi từng cá nhân thích ứng, tìm cách vượt qua. Nhưng nỗi buồn thì chưa dễ ngày một ngày hai mất đi, nhất là khi họ đã mất tiền bạc, thời gian, công sức của những ngày tuổi trẻ với nhiều hoài bão, nay nhận lại kêt cục đắng nghét, thời gian ngắn khó mờ phai. Lẽ nào những người có trách nhiệm chính trong các sự việc trên đều vô can, không phải chịu trách nhiệm khi đổ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử, không hề day dứt lương tâm khi bao người lâm vào cảnh khốn khó, lao đao? Bút sa nhưng gà chết, còn người thì vẫn bình an vô sự, thậm chí bình chân như vại, còn thăng chức hoặc thản nhiên xây nhà cao cửa rộng…
Về việc tuyển thừa hàng trăm giáo viên, ông bí thư huyện ủy và chủ tịch UBND huyện Krông Păk chỉ nhận hình thức kỷ luật khiển trách được xem là quá nhẹ nhàng. Vụ việc ở Quảng Bình, cũng như nhiều địa phương khác xảy ra chuyện tương tự, thông tin và nhìn nhận như là sự đã rồi và hầu như chẳng ai có lỗi. Lẽ nào sự vô cảm đã thành một lề thói. Lẽ nào gián tiếp hoặc trực tiếp liên quan đến đời sống - việc làm của hàng trăm người mà trách nhiệm thì lửng lơ, không một ai nhận lãnh?
300 lạng và nỗi sợ hãi của doanh nghiệp Hôm qua (20.4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lấy ý của một câu trong Truyện Kiều: “Tính bài lót đó, luồn đây/Có ba trăm ... |
Điểm danh quan chức "ngã ngựa"vì Vũ "nhôm" Từ cuối tháng 12/2017 đến nay, vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") chưa khi nào hết nóng. Hàng loạt ... |
CAO MINH