Các cụ nói 'tốt khoe xấu che', tôi có đẹp thì tôi mới khoe lưng trần. Tại sao lại lên án việc làm đẹp hết sức chính đáng này của mỗi người?
Tôi khá là bức xúc trước nhận định của một số người, họ đồng nhất việc nữ giới mặc áo lưng trần, mát mẻ ra đường là trái với quy tắc đạo đức, chuẩn mực xã hội… Trong đó, rất nhiều người, giới tính nam, một mặt ra rả nói rằng cách ăn mặc trên rất là phản cảm và sẽ không đồng ý cho vợ/bạn gái/con gái ăn mặc như vậy. Thế nhưng, có đảm bảo 100% là các anh ấy ra đường không chết mê chết mệt nhìn những chị em ăn mặc thiếu chút vải, hở chút lưng, khoe chân dài hay không?
Người mẫu N. từng có phong cách thời trang táo bạo tại một sự kiện- ẢNH TƯ LIỆU
Có người dẫn ra quyết định của UBND TP.Hà Nội sẽ xử phạt, bêu tên người ăn mặc phản cảm, hở hang nơi công cộng để làm ví dụ rằng, ở một số địa phương thì việc ăn mặc sẽ bị soi xét, đánh giá và thậm chí là chế tài để xây dựng lối sống văn minh đô thị. Thế nhưng, cho tôi được thắc mắc, chúng ta có quy định cụ thể rằng, như thế nào là hở hang, mát mẻ không, có quy định hở bao nhiêu phần trăm trên người là phản cảm không hay mỗi nơi sẽ cho một định nghĩa khác nhau, tùy vào đánh giá thị giác của mỗi người? Cái váy này mặc cho một cô 1,65 m thì vừa vặn, nhưng nếu mặc cho cô 1,72 m thì nó phải thiếu vải một chút, lại tôn lên cái chân dài và nước da trắng của người mặc thì sao?
Quyền ăn mặc là quyền tự do của mỗi người, người ta có quyền được làm những gì người ta thích và không ảnh hưởng đến ai. Nếu tôi mặc cái áo này trễ vai, tôi khoe lưng trần, quần jeans phải cạp trễ, nếu ai thấy không thích thì đừng nhìn. Thế nhưng, hình như tôi thấy rằng, nhiều người ngoài miệng thì bai bải nói “không thích, không thích”, nhưng một vài giây sau lại liếc trộm, liếc kín đáo (tránh ánh mắt sắc như dao cau của vợ hay bạn gái đang kè kè bên mình). Thật quá mâu thuẫn!
Thật lạ lùng, mỗi ngày tôi mở internet ra, trong khi các ngôi sao ca nhạc, người mẫu, diễn viên mặc đồ hở lưng lưng, khoe vòng 1 vòng 3 ra sẽ được nhiều nơi tung hô bằng những từ như “gợi cảm”, “nữ tính”, “thướt tha”, “táo bạo”.
Vậy là hóa ra, người nổi tiếng thì được lưng trần và ăn mặc mát mẻ, còn dân thường thì không, trong khi nếu xét về mức độ ảnh hưởng, những nghệ sĩ kia mới có thể tác động tới nhiều người hơn.
Tại sao nữ giới bị soi xét ăn mặc thế này thế khác khi ra đường, nhưng đàn ông thì lại được làm những gì họ thích? Tôi cực kỳ khó chịu nhìn nhiều trai trẻ, dù "6 múi" hay "1 múi", đàn ông trung niên hay các ông già ra đường, tiếp khách, gặp bạn bè hay ngồi uống bia vỉa hè vẫn mặc duy chỉ cái quần xà lỏn, còn lại hở hết! Vậy thì sao không thấy ai lên án và cho rằng phải phạt nặng họ?
Tôi đồng ý rằng, với những nơi tôn nghiêm như chùa chiền, điện miếu cần cẩn trọng với trang phục, không phải thích gì mặc nấy; còn lại, trang phục là cá tính, sự tự do. Đừng quá khắt khe và khó tính khi mang một gu thẩm mỹ của mình cho một ai đó. Cái áo chẳng làm nên thầy tu. Đừng đánh giá con người từ vẻ bề ngoài của họ!
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một bạn đọc sống và làm việc tại Hà Nội.
Nhiều chân dài mặc hở hang ở "Tuyệt tình cốc" làm "dậy sóng" cộng đồng Trước những hình ảnh, clip hai cô gái ăn mặc hớ hênh ở Tuyệt tình cốc Đà Lạt bị cộng đồng phê phán gay gắt ... |
Phát hiện hơn 60 nữ tiếp viên mặc hở hang tiếp khách ở nhà hàng Bất ngờ ập vào nhà hàng, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nữ tiếp viên ăn mặc hở hang phục vụ khách trong ... |